Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:29 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp FDI: Cần khuyến khích chuyển giao công nghệ

17/07/2018

Ảnh minh họa

Chuyển giao công nghệ chưa đạt được như mong đợi 
 
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thế Phương, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư FDI, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với DN Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. “Phải thừa nhận, mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới” - Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định.
 
Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 cũng đánh giá, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ DN FDI của Việt Nam rất thấp, tụt hậu so với chính mình và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam đứng thứ 57 trên thế giới về tiêu chí này, nhưng chỉ 5 năm sau đã tụt xuống vị trí 103. Trong khi đó, Malaysia xếp thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Campuchia thứ 44.
 
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) (KH&CN) Nguyễn Hữu Xuyên cho biết, hiện nay, trình độ, năng lực công nghệ và khả năng giải mã công nghệ của Việt Nam thấp nhất ASEAN. Tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, tỷ lệ này của Thái Lan là 31%, Malaysia là 51%, Singapore là 73%, trong khi tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hoá, hiện đại hóa là trên 60%. 
 
Phân tích vấn đề này, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) Trần Toàn Thắng cho biết, DN Việt Nam có sự thay đổi nhanh về năng suất trong thời gian qua nhờ nguồn vốn FDI. Song, đóng góp của công nghệ là không nhiều; tỷ lệ DN sử dụng công nghệ có “vòng đời” trong vòng 5 năm trở lại đây rất thấp. 
 
Nhìn nhận FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua tác động tích cực đến năng suất của khu vực DN trong nước, nhưng Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, tác động lan tỏa từ chuyển giao công nghệ của các DN FDI vẫn còn yếu, có rất ít DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Nguyên nhân là do nhiều DN trong nước chưa liên kết sản xuất được với DN FDI, mặc dù khu vực FDI mở rộng quy mô sản xuất.
 
Ưu đãi, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến
 
Để nâng cao hiệu quả từ việc chuyển giao công nghệ của các DN FDI, tại Hội thảo “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực DN FDI” do Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức mới đây, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần thiết kế các chính sách, tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển giao công nghệ. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng để các DN cạnh tranh lành mạnh và hợp tác, liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ DN trong nước phải đảm bảo tăng cường năng lực cho DN sẵn sàng liên kết, hấp thụ công nghệ và tiếp nhận chuyển giao kỹ năng. Chính sách phát triển DN cần hướng đến tăng quy mô của DN, khuyến khích quy mô lớn, phát triển cụm ngành tạo điều kiện liên kết.
 
Liên quan đến chính sách đối với hoạt động chuyển giao công nghệ của Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) Đỗ Hoài Nam đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; đồng thời, khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước, chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ DN FDI sang DN trong nước; ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người.
 
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Hữu Xuyên kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi phù hợp với hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các hoạt động chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Mặt khác, hành lang pháp lý cần sớm được hoàn thiện nhằm đưa Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Quỹ này phải hoạt động như một tổ chức tài chính và không gây khó khăn cho DN khi tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để tiếp nhận, chuyển giao và đổi mới công nghệ.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, đã đến lúc, nền kinh tế của Việt Nam phải vượt lên chứ không nên phụ thuộc vào FDI. Bản thân các DN trong nước cũng phải nỗ lực; chủ động thông tin về năng lực của mình như: có công nghệ, quy mô, thế mạnh và những sản phẩm dịch vụ… để tìm kiếm sự kết nối với các DN FDI.
Theo Báo Kiểm toán Nhà nước