Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 13:07 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất

04/12/2023

Thực hiện Chương trình Sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023 đã tạo những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.
Chuyển biến tích cực
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - Trần Thị Phương Lan - cho biết, việc quyết liệt triển khai Chương trình hành động quốc gia về giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023 đã tạo những chuyển biến tích cực. Theo đó, 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% doanh nghiệp tại các làng nghề được hướng dẫn, áp dụng Sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% siêu thị, trung tâm thương mại tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Người dân Thủ đô ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường. 
Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: Bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Hà Nội đã đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành giấy, gỗ, cơ khí trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực Công Thương, cơ sở công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, đề xuất trên 190 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm trung bình 3,61% định mức nguyên vật liệu; 7,1% tổng định mức năng lượng quy đổi; 16,2% bụi công nghiệp; 7,92% lượng nước thải sinh hoạt… Các giải pháp về sản xuất sạch hơn được tư vấn, đề xuất chủ yếu đi sâu tổ chức triển khai thực hiện như: Giải pháp về quả lý nội vi, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, thiết bị.
Tạo chuỗi liên kết
Để tạo chuỗi liên kết trong cung ứng, Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hà Nội đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối doanh nghiệp cung ứng, sản xuất. Theo đó, thành phố đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm quốc tế mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực ngành công nghiệp hàng không năm 2023. Qua đó, đã có trên 500 cuộc giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, ước tính đạt khoảng 20 triệu USD, được diễn ra trong khuôn khổ hội chợ.
Sở Công Thương cũng đã tổ chức phổ biến 3 chuỗi kết nối “Mạng lưới Sản xuất và tiêu dùng bền vững” cho các nhóm ngành, lĩnh vực: Ngành dệt may - thời trang; sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); ngành điện tử, đồ gia dụng. Qua đó, góp phần hình thành mạng lưới Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm. Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vận động các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia Liên minh Các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon, ký Biên bản ghi nhớ để cùng đưa ra cam kết chung giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần, tăng cường sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội.
Năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động Sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về Sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thành phố cũng phấn đấu đến hết năm 2024 giảm 3,5 - 4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%; 85% khu, cụm công nghiệp và 60% làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về Sản xuất và tiêu dùng bền vững; tiếp tục phấn đấu: 60 - 70% các chợ truyền thống; 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy…
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về Sản xuất và tiêu dùng bền vững được thực hiện lồng ghép vào nội dung của các chương trình, kế hoạch hiện có; qua sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị. Kết quả, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên tại khu vực kinh doanh ăn, uống.
Theo: Báo Công Thương