Ngày 10/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Nhận diện sản xuất sạch hơn, đáp ứng xu thế tiêu dùng xanh

08:05 - 24/11/2023
Qua thời gian, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng đã nhận thức được lợi ích, vai trò của việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), đặc biệt là hướng tới tiêu dùng bền vững gắn với mục tiêu sản xuất.
Cộng đồng trách nhiệm
Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công nghiệp Bình Dương (Sở Công thương), thời gian qua trung tâm đã nỗ lực hỗ trợ các DN trên địa bàn áp dụng các quy trình SXSH thông qua việc đánh giá cụ thể hoạt động sản xuất của DN. “Qua đó, nhóm chuyên gia SXSH hỗ trợ các DN kiểm soát được đầu vào như nguyên liệu, điện, nước, lao động, công nghệ... Từ đó tư vấn cho DN áp dụng các giải pháp SXSH như đổi mới thiết bị, công nghệ, quản lý việc sử dụng lao động, tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn hoặc đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường... giúp DN phát triển bền vững hơn”, bà Nguyễn Thúy Hằng cho biết cụ thể về hoạt động hỗ trợ của ngành công thương.
Sản xuất gốm sứ tại Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, TP.Tân Uyên
Đối với DN, SXSH có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng nước nhiều hay ít. Đến nay, hầu hết các DN đều có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10 - 15%. Thực tế cho thấy nếu áp dụng SXSH, DN sẽ giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn.
Là DN sản xuất thực phẩm tiêu thụ khắp 64 tỉnh, thành trên cả nước, ông Lương Ngọc Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV SX&TM Trường Thọ (TX.Bến Cát), cho biết: “Công ty chuyên sản xuất thực phẩm, chúng tôi ý thức sản xuất sạch là chú trọng ngay vào việc sử dụng những nguồn nguyên liệu sạch từ khâu sản xuất đầu tiên. Chúng tôi cũng chú trọng việc sử dụng những thiết bị hiện đại, sạch sẽ cũng chính là một trong những phần để xây dựng SXSH. Cùng với phương án bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất, mục tiêu cuối cùng là đem đến sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ từ các ngành chức năng để phát triển sản xuất gắn với tiêu dùng xanh, bền vững”.
Theo ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, các chi phí đầu vào như nguyên nhiên liệu, công lao động gia tăng liên tục trong khi môi trường cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng và giá thành sản phẩm.Vì vậy, chọn lựa giải pháp SXSH chính là cách để DN đạt được mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
“Việc áp dụng SXSH không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất của DN, mang lại hiệu quả “kép” đối với DN. Trong quá trình sản xuất, nếu DN không có biện pháp sử dụng nguyên liệu, năng lượng một cách hiệu quả và triệt để thì môi trường xung quanh bị ảnh hưởng, dẫn đến ảnh hưởng đến sản phẩm cũng như khả năng tồn tại lâu dài của DN. Để việc áp dụng SXSH thực sự mang lại hiệu quả, khi mới áp dụng không nên thực hiện ngay ở phạm vi rộng mà nên chọn một mảng, một dây chuyền đang có sự lãng phí lớn, bất hợp lý trong sử dụng, phát thải lớn để tiếp cận dần với SXSH. Ngoài ra, cần xem đây là công việc quan trọng, luôn duy trì và gắn kết với định hướng phát triển, mạnh dạn thay đổi về công nghệ khi đã có đánh giá, khảo sát chắc chắn”, ông Vương Siêu Tín chia sẻ về giải pháp SXSH với ngành gốm sứ.
Thích ứng xu thế
Theo ông Phan Thế Thảo, Giám đốc Siêu thị Co.opmart đường 30-4, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, rất chủ động trong việc tìm kiếm những sản phẩm hay những dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững. Đơn cử từ việc không lấy túi nylon khi đi mua hàng, hay chủ động lựa chọn những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe và môi trường như dùng các hộp được làm từ bã mía, hoặc sữa chua ít đường hơn… “Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng mạnh mẽ hơn, làm cho DN phải có tư duy thay đổi, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mới hiện nay”.
Thích ứng xu hướng này, hiện các siêu thị trên địa bàn đưa ra những giải pháp cho khách hàng, như thùng carton để khách hàng đựng, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi nylon phân hủy sinh học, tập trung kinh doanh các sản phẩm sản xuất xanh bền vững… Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị Chiến lược nguồn nhân lực, Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho biết: “AEON Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh nhà bán lẻ và trách nhiệm DN, chung tay cùng Chính phủ, địa phương thực hiện mục tiêu phát triển tiêu dùng xanh, lối sống xanh hướng tới tương lai phát triển bền vững”.
Đối với các DN, bà Huệ khuyến nghị các DN nên có thêm những bộ phận hay cán bộ chuyên trách về mảng phát triển bền vững để tìm hiểu những khung luật, hiểu về chính sách. Bởi DN sẽ hiểu rõ chính mình đang ở mức độ nào trong phát triển bền vững và đi tìm những giải pháp phù hợp với DN của mình thì hành trình chuyển đổi sang hướng bền vững sẽ nhanh hơn.
TS. Trần Văn Thanh, chuyên gia SXSH, khẳng định: SXSH giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng, góp phần cải thiện môi trường làm việc, giảm tải lượng dòng thải và đáp ứng bảo vệ môi trường; mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Ngoài lợi ích trực tiếp tiết kiệm được trong quá trình sản xuất, DN áp dụng SXSH có cơ hội tiếp cận nguồn ưu đãi tài chính, các khoản vay từ các cơ quan tài chính, Chính phủ ngày càng ưu tiên cho các dự án phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Theo: Báo Bình Dương