Ngày 21/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Giảm khí thải để tiến đến phát triển bền vững

09:41 - 20/02/2023
Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, muốn phát triển bền vững các lĩnh vực phải có kế hoạch giảm khí thải nhà kính.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ. Ảnh: V.Thế
Cùng với thế giới, Việt Nam đã có lộ trình giảm phát thải khí nhà kính (KNK) cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp... Mục tiêu mà Việt Nam hướng tới là giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Không thể đứng ngoài cuộc
PV: Phát thải KNK là một trong những nỗi lo lớn của nhân loại, do vậy nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm cách tiết giảm. Là chuyên gia về môi trường, xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
PGS-TS Phùng Chí Sỹ: Do áp lực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên thế giới đang rất quan tâm đến việc kiểm kê giảm phát thải KNK. Gần đây nhất, tại các hội nghị lần thứ 26 và 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP26 và COP27), Ủy ban LHQ về biến đổi khí hậu đã đưa ra rất nhiều giải pháp để giảm phát thải KNK, một trong các giải pháp là yêu cầu các quốc gia phát triển phải giảm phát thải KNK và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giảm phát thải KNK.
Thời gian gần đây, Nhà nước đã ban hành những cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. DN nên chủ động tìm hiểu thông tin để nhận được hỗ trợ vì phát triển bền vững sẽ dễ dàng nhận được các đơn hàng trong và ngoài nước.
Kinh tế xanh, sản xuất giảm thiểu tác động tới môi trường và các tiêu chuẩn được đặt ra ngày một khắt khe hơn trong cộng đồng quốc tế, nhất là tại các nước có trình độ phát triển cao. Đây là xu thế toàn cầu, không thể có một quốc gia nào đi ngược lại bởi như thế sẽ lạc hậu và tự cô lập mình.
PV: Vậy thì đối với Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra những cam kết gì?
PGS-TS Phùng Chí Sỹ: Với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam chúng ta cũng cam kết thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải. Sự cam kết đó thể hiện trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã dành một chương về bắt buộc phải kiểm kê KNK và đi kèm là các giải pháp nhằm giảm phát thải nó.
Chính phủ cũng cam kết sẽ giảm 9% phát thải KNK nếu chúng ta không có sự hỗ trợ từ quốc tế, còn nếu quốc tế hỗ trợ thì chúng ta cam kết giảm 29%. Theo lộ trình, Việt Nam phấn đấu đến năm 2050 sẽ giảm phát thải ròng KNK bằng 0 (có nghĩa là lượng phát thải ra và lượng hấp thu vào bằng nhau). Để làm điều đó, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện và một trong những nội dung đó là chúng ta cố gắng tạo ra một thị trường carbon để làm sao có thể buôn bán, trao đổi tín chỉ carbon nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cải tiến công nghệ, đổi mới công nghệ để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải KNK.
PV: Thưa ông, đâu là những giải pháp cụ thể sẽ triển khai?
PGS-TS Phùng Chí Sỹ: Về lĩnh vực giảm phát thải KNK, hiện nay theo quy định của IPCC (Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc) và các quy định của Việt Nam, chúng ta đang triển khai trên 5 lĩnh vực gồm: quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; lĩnh vực giao thông; lĩnh vực năng lượng; lĩnh vực xử lý chất thải; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác.
Mỗi lĩnh vực lại có rất nhiều giải pháp khác nhau. Chẳng hạn ở lĩnh vực công nghiệp thì thay đổi nguyên liệu, nhiên liệu, các giải pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu thụ bền vững, tăng trưởng xanh, sản xuất carbon thấp. Với nhóm ngành giao thông sẽ là kiểm soát khí thải phương tiện; sử dụng nhiên liệu sinh học, năng lượng sạch cho các phương tiện giao thông cơ giới; chiếu sáng công cộng một cách thông minh, tiết kiệm và sử dụng năng lượng mặt trời. Đối với lĩnh vực năng lượng cần thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hợp tác công tư trong thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tích hợp năng lượng tái tạo; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Phải chủ động thực hiện
PV: Trong vấn đề giảm phát thải KNK, chúng ta phân tách như thế nào về trách nhiệm từ phía Nhà nước và doanh nghiệp?
PGS-TS Phùng Chí Sỹ: Như đã nói, đây là công việc lâu dài, gắn với trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có vai trò từ phía Nhà nước và doanh nghiệp (DN). Nhà nước cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê, giám sát phát thải KNK và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định từ cấp quốc gia cho đến cấp cơ sở phát thải. Cần đặt ra lộ trình giảm phát thải cho từng ngành, tiểu ngành một cách minh bạch, đầy đủ và phù hợp với điều kiện cụ thể để các cơ sở, doanh nghiệp phát triển công nghệ và tham gia. Bên cạnh đó, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường carbon, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon thế giới.
Sản xuất sạch hơn là trách nhiệm của doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: V.Thế
Đồng thời, các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tham gia thị trường thông qua việc nâng cao năng lực trong các hoạt động kiểm kê, áp dụng các giải pháp sản xuất, kinh doanh giảm thiểu tác hại tới môi trường. Theo tôi, chính sách có thành công hay không được đo đếm bằng việc làm của doanh nghiệp, bởi họ là đối tượng trong quá trình hoạt động có sự phát thải lớn.
PV: Riêng với Đồng Nai, qua nghiên cứu tình hình thực tế trên địa bàn, ông có khuyến nghị gì đối với chính quyền địa phương?
PGS-TS Phùng Chí Sỹ: Kết quả nghiên cứu tổng hợp trên địa bàn Đồng Nai cho thấy, tổng phát thải KNK có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, với mỗi lĩnh vực lại có sự biến động khác nhau. Lĩnh vực năng lượng, giao thông và quá trình công nghiệp sử dụng sản phẩm có xu hướng tăng. Lĩnh vực chất thải và nông nghiệp có xu hướng giảm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm nhiều nhất.
Từ thực tế đó tôi cho rằng, địa phương cần nỗ lực, cùng với các bên liên quan xây dựng cơ chế, nguồn vốn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng; hỗ trợ tín dụng, trợ giá sản phẩm tái chế. Một vấn đề nữa là cần phải hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện với môi trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo: Báo Đồng Nai