Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 15/04/2025 | 20:33 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn - Giải pháp phát triển bền vững của BSR

11/04/2025

Trước áp lực suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đang mạnh mẽ chuyển mình theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Không chỉ tối ưu hóa chuỗi sản xuất, tái chế chất thải mà BSR còn đẩy mạnh ứng dụng năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo nhằm hướng đến phát triển bền vững. 
Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển kinh tế tập trung vào việc tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu lãng phí tài nguyên, nhằm kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm tác động đến môi trường. Thay vì tiếp cận theo mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, tức là khai thác tài nguyên, sản xuất, sử dụng rồi thải bỏ, kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu, giảm lượng chất thải sinh ra, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài nguyên, mô hình này được xem là giải pháp tất yếu giúp doanh nghiệp không chỉ duy trì hoạt động mà còn phát triển lâu dài, bền vững hơn.
Là đơn vị chủ lực trong khâu hạ nguồn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), BSR đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu sản xuất năng lượng xanh trong tương lai gần.
Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Ảnh: VnEconomy)
Tối ưu hóa chuỗi sản xuất. Hệ thống sản xuất của BSR không ngừng được cải tiến để tận dụng tối đa nguyên liệu dầu thô, giảm lượng phế thải và khí thải ra môi trường, điển hình như: Tuần hoàn nước rửa muối, thu hồi nhiệt thải, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, giảm sử dụng hóa phẩm, giảm tiêu thụ nước, thu hồi dầu từ bùn, cặn đáy bể, giảm đốt dầu FO, hợp tác sản xuất sản phẩm mới K-ment thân thiện với môi trường từ xúc tác RFCC đã qua sử dụng,… Các quy trình lọc dầu và chế biến hóa dầu được tự động hóa và kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hiệu suất cao, đồng thời hạn chế tối đa tổn thất nguyên liệu trong quá trình sản xuất.
Tập trung tái chế và tái sử dụng chất thải. Công ty đã nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp tái chế nước thải để tái sử dụng trong sản xuất, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước đáng kể. Ngoài ra, các sản phẩm phụ từ quá trình lọc hóa dầu như lưu huỳnh, nhựa đường và các hóa chất khác cũng được tái sử dụng hoặc bán cho các doanh nghiệp khác làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp liên quan.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Công ty đã nghiên cứu và triển khai sử dụng năng lượng mặt trời và điện gió để giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, hướng tới mục tiêu phát thải carbon thấp hơn. Đồng thời, BSR cũng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển nhiên liệu sinh học, một giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường.
Với những bước đi chiến lược và sự đổi mới không ngừng, BSR đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong ngành lọc hóa dầu theo hướng thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp BSR phát triển bền vững mà còn góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế xanh tại Việt Nam. 
Ngày 31/3/2025, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã chính thức nhận được Chứng nhận ISCC CORSIA và ISCC EU. Đây là hai chứng nhận quan trọng, ghi nhận cam kết của BSR trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon. BSR là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay) được cấp đồng thời hai chứng nhận này.
Minh Khuê