Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 13:21 GMT+7

Sản xuất bền vững

Xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất: Doanh nghiệp Hải Phòng đi đầu

08/11/2019

Xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất là vấn đề nan giải của cả nước, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra. Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp chủ động, tích cực giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đạt hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận.
Vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng và Nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ vốn là nỗi lo lớn của doanh nghiệp và của cả thành phố. Trong quá trình sản xuất, các nhà máy đều có số lượng chất thải tro, xỉ, thạch cao khá lớn, nhất là với nhà máy DAP Đình Vũ. Tuy nhiên, đến nay, về cơ bản, các nhà máy có hướng giải quyết tích cực và khá hiệu quả, từng bước giảm dần mối lo ngại trong người dân.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng Nguyễn Thường Quang cho biết, mỗi năm nhà máy thải ra khoảng 1-1,5 triệu tấn tro xỉ. Với khối lượng này, hồ chứa xỉ của công ty chỉ chứa được khoảng 10 năm. Nếu không có biện pháp xử lý, hồ chứa nhanh chóng được lấp đầy và nhà máy nhiệt điện sẽ không thể hoạt động được.
Vì thế, vấn đề tiêu thụ tro xỉ thải ra trong quá trình sản xuất luôn được lãnh đạo công ty quan tâm, họp bàn, đề ra nhiều giải pháp. Nhưng cũng phải mất vài năm, tới năm 2015 công ty mới tìm được các đơn vị thu mua tro xỉ nhiệt điện để dùng sản xuất phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng. Công ty chọn lọc, ký hợp đồng với các đơn vị có uy tín, chuyển giao tro xỉ để tái sử dụng. Đến nay, có 5 doanh nghiệp tham gia bao tiêu tro xỉ của công ty bao gồm: My Sơn, Hưng Ngọc, Thành Đạt, Long Trọng, Thăng Long. Hằng ngày, các xe bồn vào thu gom tro bay tại 4 tổ máy cũng như chở tro xỉ từ hồ chứa đi tiêu thụ. Lãnh đạo công ty cho biết, 100% lượng tro bay của nhà máy được bao tiêu hết. Còn lượng xỉ (chỉ chiếm khoảng 15% nguồn thải) được tiêu thụ hằng ngày khoảng 30%, còn lại được đưa ra hồ chứa và 2 công ty Ngọc Lộc, My Sơn đang nhận khai thác toàn bộ. Dự kiến tới năm 2020-2021, toàn bộ tro xỉ trong hồ chứa sẽ được xử lý hết, hồ sẽ chỉ còn lại phần lớn là nước.
Đối với Công ty CP DAP-Vinachem, nguồn thải bao gồm tro xỉ lò hơi nhiệt điện và bã thải thạch cao. Trong đó, tro xỉ khoảng 10.000 tấn/năm đã được công ty ký hợp đồng và chuyển giao toàn bộ cho Công ty Ngọc Lộc tiêu thụ. Về bã thải thạch cao (gyps), công ty tích cực tìm các giải pháp xử lý như phối hợp chặt chẽ với các Viện nghiên cứu, tìm đối tác và cùng đầu tư, thành lập Công ty CP thạch cao Đình Vũ để sản xuất thạch cao từ chất thải gyps phục vụ các doanh nghiệp sản xuất xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng. Công ty cũng chấp hành nghiêm cam kết về bảo vệ môi trường tại các bãi chứa thạch cao tạm thời và lâu dài, khống chế chiều cao của bãi chứa tạm thời khoảng 25 m theo đúng yêu cầu của UBND thành phố. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP DAP-Vinachem Nguyễn Văn Sinh, công ty luôn có ý thức, trách nhiệm cao xử lý chất thải gyps, vì cộng đồng và cũng vì sự phát triển của chính doanh nghiệp.
Coi tro, xỉ, thạch cao là tài nguyên
Cách làm của các doanh nghiệp của Hải Phòng cho thấy cần thay đổi về quan niệm, nhận thức, không nên coi tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất là đồ bỏ đi mà nên coi đây là nguồn tài nguyên phong phú, có thể tái sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu cho các ngành sản xuất khác. Chỉ có như vậy mới có thể giải được bài toán ứ đọng nguồn thải này, làm nhiều địa phương và nhân dân lo ngại.
Theo Bộ Công Thương, hiện lượng tro xỉ, thạch cao thải ra từ các nhà máy hơn 16,4 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 sẽ có thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Đây là con số rất đáng quan tâm, vì doanh nghiệp Hải Phòng đã xử lý được cơ bản, nhưng nhiều nhà máy khác như Nhiệt điện Vĩnh Tân hầu như chưa có giải pháp. Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đưa ra cảnh báo: “Tro xỉ nếu không được sử dụng, dự kiến đến 2030, sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Đấy là con số khủng khiếp”.
Tại hội nghị giải trình về tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than, chất thải thạch cao phosphogymsum và xỉ lò của các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chứcđầu tháng 1- 2019, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, tro xỉ không phải chỉ là chất thải, mà phải coi là nguồn nguyên liệu, cần đưa ra giải pháp để sử dụng hiệu quả, phải quy định để tro xỉ trở thành một loại hàng hóa, một loại tài nguyên. Phó chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần rà soát lại tổng thể các luật, chính sách; ban hành, hoàn thiện ngay các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tro, xỉ, thạch cao…; xem xét lại quy hoạch, rà soát công nghệ của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón… để tận dụng hiệu quả cao nguồn tro xỉ thải, tạo điều kiện cho tái sử dụng, sản xuất, tiêu thụ.
Với xu hướng như vậy, tuy Hải Phòng đạt kết quả đáng kể trong xử lý tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất nhưng cũng cần có sự quan tâm, sâu sát hơn để cùng các doanh nghiệp biến nguồn chất thải này thành sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu tới năm 2020 phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao… để lượng tro xỉ tại bãi chứa của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón luôn thấp hơn khối lượng tro xỉ thải ra trong 2 năm sản xuất. Đồng thời, xử lý và sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng đạt khoảng 52% tổng lượng tro xỉ tồn đọng.
Theo Thanhphohaiphong.gov.vn