Ngày 28/03/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Sản xuất bền vững

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Cần lời giải cho "bài toán" vốn

14:22 - 15/03/2019
Sản xuất sạch hơn (SXSH) là áp dụng liên tục các biện pháp tổng hợp về quản lý, tổ chức, kỹ thuật và môi trường trong quá trình sản xuất. Đối với các doanh nghiệp, SXSH mang đến lợi ích là cải thiện hiệu suất sản xuất, sử dụng nguyên liệu, năng lượng có hiệu quả hơn; giảm ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp xanh. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp, hướng đến sản xuất bền vững, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Nhiều lợi ích
Hiện toàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các giải pháp SXSH như tiết kiệm điện năng tiêu thụ, cải tiến công nghệ, thiết bị, tổ chức lại sản xuất, thực hiện an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường…
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải.
Một trong những cơ sở thực hiện có hiệu quả chiến lược SXSH là Nhà máy chế biến đường tinh luyện của Công ty Cổ phần Mía đường 333. Năm 2016, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại bằng thiết bị tự động hóa của châu Âu, Ấn Độ với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Về môi trường, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cải tiến kỹ thuật nhằm giảm tiếng ồn, độ rung, khói bụi, tiết kiệm năng lượng, nước; đầu tư công trình xử lý nước thải và lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải kết nối dữ liệu đến Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát... Ông Đoàn Ngọc Sơn, Giám đốc công ty cho biết, nhờ áp dụng các giải pháp SXSH, năng suất, chất lượng sản phẩm của nhà máy tăng lên, hiệu suất, tỷ lệ thu hồi đường đạt mức cao, giảm chi phí quản lý, vận hành và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tương tự, năm 2015, Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải (TP. Buôn Ma Thuột) đã đầu tư nâng cấp lò đúc cơ khí thủ công sang công nghệ lò trung tần, công suất 1 tấn sản phẩm/giờ. Nhờ đó, công ty có thể sản xuất các chi tiết, linh kiện bằng kim loại từ đơn giản đến phức tạp bảo đảm độ uốn, dẻo và khả năng chịu lực cao. Bên cạnh đó, với công nghệ này, công suất hoạt động của cơ sở tăng gấp đôi trong khi đó chi phí nhân công, nguyên liệu, năng lượng giảm xuống. Chưa kể, cơ sở cũng hạn chế ô nhiễm môi trường nhờ giảm được tiếng ồn, khói, bụi phát sinh trong quá trình sản xuất.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc áp dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế do thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở công nghiệp với chiến lược SXSH, chưa có hệ thống quy định có tính chất pháp lý để bắt buộc doanh nghiệp áp dụng SXSH. Điều này dẫn đến thực tế: Có doanh nghiệp bỏ ra tiền tỷ để đầu tư cho SXSH, trong khi các doanh nghiệp khác tự do xả chất thải ra môi trường chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền rất nhỏ.
Thực hiện SXSH đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên số lượng doanh nghiệp tại tỉnh áp dụng chiến lược sản xuất này vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng đắn về lợi ích của việc áp dụng SXSH trong sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện nhưng do khả năng tài chính yếu, trình độ khoa học công nghệ hạn chế, máy móc thiết bị lạc hậu, sản xuất mang tính manh mún, thủ công nên không thể áp dụng. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Thành Vũ Đắk Lắk (huyện Ea H’leo), theo Giám đốc công ty Hồ Công Thành, nhà máy chế biến tinh bột sắn của công ty đi vào hoạt động từ tháng 9-2006, nhưng do thiếu vốn, việc đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại, hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn rất khó khăn. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất theo mùa và không có cán bộ chuyên trách môi trường nên việc xử lý, khắc phục môi trường chỉ thực hiện thời điểm nhà máy ngừng vận hành.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp Ea Ral (Ea H'leo) do mới đi vào hoạt động, quy mô nhỏ, thiếu vốn nên đơn vị không thể đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại và áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Doanh nghiệp cho hay, sẽ triển khai từng bước chiến lược sản xuất sạch, trong đó, trước mắt là tập trung tiết kiệm nguyên liệu, lượng điện tiêu thụ trong sản xuất, lâu dài mới tính đến chuyện đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường.
Lò đúc gang trung tần của Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Đắc Hải góp phần giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất
Theo ông Vũ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), ngành Khuyến công sẽ tổ chức các khóa tập huấn, hỗ trợ, tư vấn giúp doanh nghiệp về áp dụng SXSH trong công nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời rà soát lại hoạt động của các cơ sở công nghiệp nông thôn để xây dựng kế hoạch chương trình khuyến công. Theo đó, Trung tâm chú trọng lồng ghép việc tuyên truyền về SXSH qua một số đề án khuyến công; xây dựng mô hình điểm về SXSH để các doanh nghiệp tham quan, áp dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp: "Các cơ quan chức năng cũng cần xử phạt nghiêm minh đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát quá trình nhập khẩu nhằm hạn chế các phương tiện máy móc cũ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường".
Phấn đấu có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH: Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020 của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH; các cơ sở áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu; 90% doanh nghiệp lớn có bộ phận chuyên trách về SXSH và 90% cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này được đào tạo và có đủ năng lực hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất công nghiệp.
Theo Báo Đắk Lắk Điện tử