Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:26 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn: Khái niệm xa lạ với doanh nghiệp?

26/08/2014

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020, sản xuất sạch hơn là một trong những mục tiêu quan trọng. Mục tiêu cụ thể mà chiến lược này đặt ra là đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn(SXSH) trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 8 đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu/đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn. Đồng thời, 90% các sở công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Vậy nhưng, đến thời điểm này, sự quan tâm của cộng đồng DN đối với mục tiêu đó dường như đang có lỗ hổng quá lớn, điều này phải chăng là một nghịch lý?

Tuy rằng nhà quản lý đã nỗ lực trong việc tạo nhiều ưu đãi để khuyến khích DN thực hiện SXSH. Nhưng, cho đến thời điểm này, hiệu quả của những nỗ lực đó không đáng kể, nếu không muốn nói là rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập này là do DN ít quan tâm, hay nói cách khác, nhận thức của cộng đồng DN đến vấn đề này rất hạn chế. Điều này được ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) chỉ rõ: Rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các DN chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh để không những kiểm soát được ô nhiễm mà còn mang lại lợi ích về tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh rào cản nói trên, những hạn chế về nguồn nhân lực tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật… hay việc đánh giá đúng, đủ, khuyến khích tiết kiệm trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa thật sự tới tầm… cũng gây ra những trở ngại đối với mục tiêu SXSH của chiến lược phát triển kinh tế.

Để khắc phục những rào cản nói trên, theo ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến các rào cản mang tính quản lý, từ đó có biện pháp khắc phục nhằm phổ biến thành công SXSH tại Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020.

Minh Phương