Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:08 GMT+7

Tin hoạt động

Hà Tĩnh: Tận thu rác thải thành sản phẩm có ích

22/08/2014

Qua tham quan, khảo sát các dây chuyền xử lý rác thải ở một số địa phương trên toàn quốc, Hà Tĩnh đã chọn dây chuyền công nghệ xử lý rác của Vương quốc Bỉ. Đây là dây chuyền hiện đại, được thiết kế với nguồn nguyên liệu đầu vào là rác thải sinh hoạt đã được phân loại đầu nguồn triệt để. Tuy nhiên, khi được lắp đặt tại Việt Nam, với đặc tính của rác thải sinh hoạt chưa được phân loại đầu nguồn cộng với điều kiện độ ẩm trong rác cao, nên dây chuyền chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn (hiệu suất xử lý rác chỉ đạt khoảng 20-30%).

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất phân hữu cơ từ rác thải đã phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bổ sung thêm các thiết bị công nghệ để hoàn thiện dây chuyền sản xuất phù hợp với đặc tính rác thải chưa được phân loại đầu nguồn, đa dạng hóa phương pháp xử lý như: bổ sung máy xé bao nilon; các thiết bị phân loại; hệ thống lò đốt thứ cấp, dây chuyền đóng rắn tro xỉ thành gạch không nung và dây chuyền sản xuất gạch blốc lát vỉa hè...

Ông Lê Quang Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị cho biết, từ sáng kiến cải tiến kỹ thuật của công ty, hiệu quả sản xuất của nhà máy đã tăng lên một cách đột phá. Công suất xử lý của nhà máy tăng từ 120 tấn rác/ngày đêm lên 200 tấn. Hiệu suất xử lý rác tăng từ 20% ban đầu lên 97%, lượng rác chôn lấp chỉ còn khoảng 3% (mức cho phép 10%).

Bên cạnh việc tìm tòi, cải tiến công nghệ của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh, thành công của dây chuyền sản xuất và chế biến rác thải ở Hà Tĩnh còn có sự đồng hành của Viện Công nghệ môi trường với việc chuyển giao chế phẩm vi sinh Sagi Bio để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy rác, rút ngắn thời gian xử lý; ức chế và diệt các vi sinh vật gây bệnh trong chất thải và giảm phát sinh mùi hôi thối, làm sạch môi trường. Điều đáng phấn khởi là, sau một thời gian phải mua và vận chuyển toàn bộ lượng chế phẩm vi sinh từ Hà Nội về, hiện nay, chế phẩm vi sinh Sagi Bio đã được chuyển giao và nhân giống tại nhà máy để ứng dụng xử lý rác và chế biến phân hữu cơ theo nhu cầu, góp phần giảm giá thành sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.

PGS-TS Tăng Thị Chính - Trưởng phòng Vi sinh vật môi trường - Viện Công nghệ môi trường khẳng định, với sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ hiện đại và hàm lượng khoa học cao trong quá trình sản xuất, chế biến, phân hữu cơ sản xuất tại nhà máy của Hà Tĩnh đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Hàm lượng hữu cơ cao (đạt từ 20-22%), trong khi đó, tỷ lệ bình quân chất hữu cơ trong phân bón là 15%. Hàm lượng vi sinh, các chất dinh dưỡng đạt quy định theo các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước. Không có các vi sinh vật gây bệnh và các kim loại nặng, vì vậy, đưa vào sử dụng sẽ rất thân thiện với môi trường.

Với chỉ tiêu chất lượng và độ an toàn cao, phân bón và mùn hữu cơ của Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác thải đã được UBND tỉnh lựa chọn làm nguồn cung ứng chính thức cho dự án trồng rau, củ, quả an toàn công nghệ cao trên đất cát hoang hóa ven biển. Phân bón hữu cơ Hà Tĩnh đã khẳng định được ưu thế về chức năng cải tạo đất; về chất lượng và sự an toàn của mình đối với hầu hết các loại rau, củ, quả trồng trên cát, được đối tác ưa chuộng và tin dùng. Đến thời điểm này, ngoài cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất các loại cây trồng khác, nhà máy đã cung ứng cho dự án trồng rau, củ, quả trên cát của tỉnh gần 2.000 tấn phân bón và mùn hữu cơ để phục vụ sản xuất.

Có thể nói, việc cải tiến kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả công nghệ và sử dụng chế phẩm vi sinh tối ưu trong quy trình xử lý rác và chế biến phân hữu cơ, đã đưa Nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác thải đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt tại TP Hà Tĩnh và các vùng phụ cận. Hoạt động của nhà máy đã biến rác thải sinh hoạt, từ chỗ là vấn nạn đã trở thành nguồn nguyên liệu và hàng hóa thân thiện với môi trường, hữu ích cho đời sống của cộng đồng xã hội; đảm bảo điều kiện cho phát triển bền vững của các đô thị, khu dân cư.

Thiên Lý