Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 22:56 GMT+7

Tin hoạt động

Mô hình ESCO của ngành Điện: Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho DN thiếu vốn

01/08/2014

Thiếu vốn nên khó đầu tư

Nhận thức được ý nghĩa thiết thực của việc tiết kiệm năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cái khó của các doanh nghiệp vẫn là vốn để đầu tư các thiết bị và thiếu phương pháp tính toán hiệu quả là một thực tế khá phổ biến.

Ông Nguyễn Văn Nghệ, Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến, kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và gia công hàng nông sản, hải sản xuất khẩu ở tỉnh Hậu Giang cho biết: Do không có vốn đầu tư công nghệ dàn nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp, nên hiện công ty vẫn phải mua than cám, các phụ phẩm nông nghiệp (trấu, mùn cưa) đun nước nóng để vệ sinh cá trước khi cho vào nhà lạnh cấp đông. Việc làm này vừa thủ công lại cũng tốn kém về nhân lực, chi phí.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Nam Sông Hậu (Bình Thủy - Cần Thơ), công ty của ông cũng đang rất “đói” vốn để đầu tư những thiết bị tiết kiệm điện công nghệ cao vào hệ thống sản xuất; thay thế lò hơi đốt trấu sang sử dụng dàn nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp.

Có thể thấy, ngoài thiếu vốn để đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng thì các doanh nghiệp cũng đang thiếu các giải pháp tiết kiệm năng lượng căn cơ, lâu dài.

ESCO- Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó tổng giám đốc - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), đơn vị triển khai các giải pháp hỗ trợ thực hiện dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo mô hình ESCO của ngành Điện cho biết, các doanh nghiệp khi tham gia ký hợp đồng thực hiện dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình này, sẽ được ESCO trực tiếp tư vấn, bỏ vốn đầu tư cho các doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến công nghệ tiết kiệm năng lượng, đồng thời cam kết quá trình tiết kiệm năng lượng đạt được qua thời gian cụ thể.

Đơn vị, doanh nghiệp được đầu tư cải tiến công nghệ sẽ thỏa thuận trả dần số tiền đầu tư sau khi có kết quả cụ thể. Nếu không hiệu quả, doanh nghiệp không phải trả lại vốn cho đơn vị đầu tư.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hợp, trong giai đoạn 2014-2015, EVN SPC sẽ triển khai mô hình ESCO trong lĩnh vực sử dụng máy nước nóng công nghiệp cho các khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ bình quân lớn hơn 20.000 kWh/tháng tại các tỉnh khu vực phía Nam. Dự kiến, Tổng công ty sẽ triển khai 10 dự án thí điểm với tổng kinh phí khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Với nhiệm vụ cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân, mô hình ESCO của ngành Điện, trước mắt sẽ tập trung thực hiện hoạt động trong lĩnh vực sử dụng điện năng trên phạm vi toàn quốc. Trong tương lai mô hình này sẽ mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động khác.

Các doanh nghiệp khi tham gia mô hình này được thực hiện gói dịch vụ năng lượng (bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì,tối ưu hóa, đóng góp tài chính...). ESCO sẽ bảo đảm cho các chi phí đầu tư, kết quả tiết kiệm năng lượng và chịu rủi ro về thương mại để thực hiện giải pháp hiệu quả năng lượng và quản lý trong cả thời gian thực hiện dịch vụ, thông thường từ 3 đến 5 năm hoặc dài hơn.