Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:28 GMT+7

Tin hoạt động

Hiệu quả từ hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị

24/07/2014

Có thể nói, việc hỗ trợ trực tiếp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị đã đem lại kết quả cụ thể, kích thích các đơn vị mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại hơn, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn hơn cho công nhân vận hành máy móc thiết bị. Chính vì vậy, công tác hỗ trợ máy móc thiết bị được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc rất quan tâm và chú trọng triển khai ngay sau khi kế hoạch năm 2014 được phê duyệt. Theo đó, trung tâm đã hướng dẫn hồ sơ ban đầu triển khai đề án khuyến công cho 21 đơn vị. Trong đó, đã tiến hành kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 6 đề án. Công tác hỗ trợ máy móc thiết bị cho 6 cơ sở công nghiệp nông thôn đã tạo thêm việc làm ổn định cho từ 25-30 lao động mới với thu nhập bình quân từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Mới được thành lập, vốn ít, máy móc chưa được đầu tư hiện đại, diện tích nhà xưởng còn chật hẹp, nên Cơ sở sản xuất Nguyễn Tuấn Mạnh chuyên sản xuất các sản phẩm giường, tủ các loại, bàn ghế, ván sàn, ốp trần… từ gỗ chưa đáp ứng được  nhu cầu thị trường về các sản phẩm chất lượng cao cũng như đảm bảo sức khỏe người lao động. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, cơ sở đã mạnh dạn mua sắm thêm 4 máy móc thiết bị để phục vụ cho quá trình sản xuất, trong đó có 1 máy vanh đứng, 1 máy đa năng. Sau khi đầu tư thêm máy móc thiết bị sản xuất, cơ sở đã tạo việc làm cho người lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến năm 2014, khi máy móc vận hành sản xuất ổn định, doanh thu của cơ sở ước đạt 190 triệu đồng mỗi tháng.

Còn tại xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, nhờ việc đầu tư mua máy bắn que hương tự động theo Đề án “Hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất hương que xuất khẩu”, mà doanh thu của Cơ sở sản xuất Tạ Đình Văn đạt 48 tỷ đồng/năm với công suất 250 tấn/tháng, giải quyết việc làm cho 40 công nhân, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến doanh thu khi đi vào sản xuất ổn định là 52,8 tỷ đồng/năm, công suất sản phẩm đạt 300 tấn/tháng, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động với mức lương ổn định từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, Cơ sở sản xuất Nguyễn Tùng Sơn - xã Xuân Lôi - huyện Lập Thạch - tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư mua sắm thêm 3 máy móc thiết bị phục vụ sản xuất mặt hàng mộc gia dụng với tổng giá trị 82.000.000 đồng. Thông qua việc đầu tư thêm máy móc thiết bị, cơ sở đã giải quyết thêm việc làm cho 6 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng, giảm thiểu nguyên liệu, tăng hiệu suất và doanh thu.

Cùng sản xuất mặt hàng gỗ, Cơ sở sản xuất Trương Văn Đãi với sự hỗ trợ kinh phí của chương trình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới mô hình sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị, giúp nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, giải quyết việc làm tại chỗ cho 11 lao động với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu dự kiến khi đi vào sản xuất ổn định trong năm 2014 là 3 tỷ đồng/năm (năm 2013 mới đạt 2,4 tỷ đồng). Trước khi có nguồn hỗ trợ từ nhà nước, công suất máy móc đạt được là 20 m3 gỗ/tháng, khi nghiệm thu đề án, công suất đạt 25 m3 gỗ/tháng, giúp cơ sở sản xuất tiết kiệm được nguyên liệu, các sản phẩm làm ra có chất lượng cao và mẫu mã đẹp, góp phần phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương./.