Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:22 GMT+7

Tin hoạt động

Thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn

13/10/2010

Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tấn – Giám đốc trung tâm về những hỗ trợ của CECP cho DN trong thời gian tới.

Xin ông cho biết lý do cho sự ra đời của Trung tâm Môi trường và sản xuất và các hoạt động chính của trung tâm?

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của các ngành công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này chính là sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Do vậy, việc ứng dụng những giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến sản xuất sạch hơn là một việc làm rất cấp thiết.

Nhận thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng SXSH, ngày 7/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020" với mục tiêu phổ biến rộng rãi cách tiếp cận sản xuất này cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời hạn chế mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở đến môi trường, cũng như đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân và môi trường sống cho cộng đồng. Bộ Công Thương đã được giao chủ trì thực hiện chiến lược này. Trước đó, từ năm 2005, Hợp phần SXSH trong công nghiệp do Tổ chức DANIDA (Đan Mạch) tài trợ cho Việt Nam đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2011, khi hợp phần kết thúc đòi hỏi phải có một đơn vị tiếp nhận và duy trì những kết quả đã đạt được của CPI. Do đó, nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 và phát huy những kết quả của CPI thời gian tới, Trung tâm Môi trường và sản xuất sạch đã ra đời.

Lĩnh vực hoạt động chính của trung tâm là thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; quản trị thông tin, cơ sở dữ liệu, báo cáo môi trường ngành; nghiên cứu, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường; phát triển ngành công nghiệp môi trường, đặc biệt là thúc đẩy SXSH và tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.

Thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với địa phương thực hiện những giải pháp gì để hỗ trợ DN đẩy mạnh SXSH trong công nghiệp, thưa ông?

Hiện nay, trung tâm đã phối hợp với CPI để thực hiện những công việc như đánh giá lại hiệu quả của dự án. Cụ thể, đối với một số DN được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án thì trung tâm đang tiến hành xem xét lại xem những dự án ấy đã thực hiện đúng như mục tiêu đã đề ra hay chưa? Hiệu quả có như mong muốn ban đầu không? Từ đó rút kinh nghiệm cho những kế hoạch về SXSH thời gian tới tại các tỉnh ngoài 5 tỉnh mục tiêu. Bên cạnh đó, do việc ứng dụng SXSH hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện cho nên nâng cao nhận thức của DN về SXSH là rất quan trọng. Do vậy, trung tâm sẽ tổ chức những hội thảo, hội nghị, lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cũng như năng lực cho DN và những đối tượng khác.

Ngoài ra, trung tâm còn hướng tới cung cấp các dịch vụ về sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao công tác quản lý môi trường cho các DN sản xuất trong và ngoài ngành công thương. Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải và mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ hướng dẫn các DN có nhu cầu xin các nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để áp dụng SXSH. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ nghiên cứu và khuyến nghị những đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc áp dụng SXSH tại các DN.

Không thể phủ nhận được rằng, hiện Việt Nam vẫn là một nước chưa có nhiều kinh nghiệm về SXSH và rất cần những sự trợ giúp của quốc tế về vấn đề này. Vậy vấn đề hợp tác quốc tế của trung tâm sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?

Đúng là so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam là nước đi sau về SXSH. Các nước trên thế giới đã có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này cho nên việc học hỏi, kế thừa và áp dụng những kinh nghiệm đó là rất cần thiết. Hiện nay, Hợp phần SXSH trong công nghiệp đã được Đan Mạch hỗ trợ rất nhiều về tài chính, kỹ thuật, nhân lực. Bên cạnh đó, đối với vấn đề biến đổi khí hậu, trung tâm cũng đã nhận được sự phối hợp rất lớn từ Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO).

Tuy nhiên, nhìn chung, do là một đơn vị mới nên vấn đề hợp tác quốc tế của trung tâm vẫn chưa nhiều và chúng tôi rất mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn những sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong thời gian tới./.

Xin cảm ơn ông!
Hường – Lan thực hiện