Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:42 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp có nhiều lợi ích từ hoạt động chuyển giao công nghệ

09/07/2014

 Đứng trước những yêu cầu trên, thời gian qua Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (gọi tắt là ECC HCMC) đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới cụ thể như: chuyển giao thành công hàng trăm xe taxi sử dụng xăng sinh học E5 giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; xây dựng quỹ phát triển công nghệ tại các tổng công ty. Theo bà Nguyễn Thị Mai Nhiệm, phòng truyền thông ECC HCMC, trong những năm gần đây, bên cạnh quỹ phát triển khoa học & công nghệ (KH&CN) TP.HCM, thành phố đẩy mạnh việc xây dựng và phát huy quỹ phát triển công nghệ tại các tổng công ty (TCT) như TCT du lịch Sài Gòn, TCT công nghiệp Sài Gòn, TCT thương mại Sài Gòn, TCT cấp nước TP.HCM… Quỹ phát triển công nghệ được quản lý tốt sẽ là nguồn tài chính vững chắc cho việc đầu tư KH&CN của các TCT. Quỹ sẽ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về vấn đề chuyển giao công nghệ mới cho doanh nghiệp, theo ông Huỳnh Kim Tước – giám đốc ECC HCMC, đơn vị tham gia trực tiếp vào công tác tư vấn và chuyển giao công nghệ mới cho doanh nghiệp - tại thế giới và ở Việt Nam, trình độ KHCN không ngừng thay đổi và cải tiến. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới vào thực tế sản xuất luôn cần phải thông qua quá trình chuyển giao. Nếu công tác này được triển khai mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng hiệu quả.

Theo ECC HCMC, sau 2 năm thực hiện, doanh nghiệp cũng đang dần chủ động trong cải tiến công nghệ, nhân lực quản lý kỹ thuật và năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Ông Huỳnh Kim Tước dẫn chứng cụ thể: chi phí năng lượng của Saigon Tourist chiếm 20% trong tổng chi phí hoạt động, sau khi ECC HCMC tư vấn đầu tư hàng loạt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong đó có nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới được ứng dụng, con số này hiện nay là 12%. Tương tự như vậy ở TCT cấp nước thành phố, với việc lắp biến tần giúp điều tiết tải, chi phí điện năng giảm đến 20% so với trước đây. Điều đáng nói là sau khi thấy được hiệu quả thực tế từ việc đầu tư thay đổi công nghệ mới, nhiều chủ doanh nghiệp đã có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động tiết kiệm năng lượng, từ đó thay đổi quan điểm kinh doanh và không ngừng mong muốn cải tạo, nâng cấp hệ thống sản xuất để tăng hiệu quả kinh doanh hơn nữa.

“Tiết kiệm năng lượng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp, mà bản chất của tiết kiệm năng lượng chính là đổi mới công nghệ và quản lý sản xuất. Nếu được tư vấn xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ rõ ràng, trong đó định lượng được chi phí đầu tư cũng như hiệu quả đạt được và thời gian hoàn vốn cụ thể thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tin đầu tư và nắm chắc hiệu quả thu được” - ông Tước chia sẻ thêm.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng các công nghệ mới vào trong sản xuất, trong thời gian tới, Sở KH&CN TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và chuyển giao công nghệ mới cho doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2014, ECC HCMC sẽ tổ chức chuỗi hoạt động gặp gỡ xúc tiến công nghệ để chuyển giao các công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong các ngành chủ lực tại TP.HCM.