Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 19:50 GMT+7

Tin hoạt động

Đăk Lăk: Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ đầu tư thiết bị

03/07/2014

Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm hỗ trợ, ngay từ đầu năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đăk Lăk đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đầu tư công nghệ mới, phát triển sản xuất. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Sapro Tây Nguyên tổ chức triển khai đề án Hỗ trợ máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất phân vi sinh, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 90 triệu đồng. Mục tiêu của đề án nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất phân vi sinh. Từ đó, tận dụng nguyên liệu tại chỗ như phân gà thu được trong chăn nuôi, các chất thải hữu cơ, phụ phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương như vỏ sắn, vỏ cà phê, bã mía… làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh phục vụ nhu cầu ngay tại địa phương.

Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh, trên địa bàn Đăk Lăk hiện nay sản lượng lương thực thu được chủ yếu tập trung cho sản xuất thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi, các phế phẩm của ngành nông nghiệp được tận dụng làm phân bón. Tuy nhiên, tỉnh không có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư công nghệ cho sản xuất phân bón từ phế phẩm nông nghiệp, đa phần là các cơ sở nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn các cơ sở sử dụng máy móc, thiết bị lạc hâu, quy trình sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, sức tiêu thụ kém, kéo theo sức sản xuất mất dần, không tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi được triển khai và đi vào hoạt động ổn định, Đề án Hỗ trợ máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất phân vi sinh đã góp phần đa dạng nguồn cung, giúp hạ giá thành phân bón, giảm chí phí vật tư đầu vào cho người nông dân. Từ đó, nâng cao năng lực sản xuất, tăng doanh thu cho doanh nghiệp, hỗ trợ cải tiến canh tác, tăng năng suất cây trồng. Đề án cũng giúp tạo việc mới cho 25-30 lao động địa phương với thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.

Đầu tháng 6 vừa qua, tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, Trung tâm Khuyến công tỉnh cũng đã tổ chức nghiệm thu Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất bao bì với công suất 2.000 kg/ngày đêm cho Công ty TNHH Đông Phương Ea Kar. Đề án đã giúp Đông Phương Ea Kar nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo cung ứng lượng sản phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, trung tâm cũng tổ chức nghiệm thu một số đề án đã hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp nông thôn triển khai trước đó như: Nghiệm thu Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị sản xuất đá ốp lát, công suất 2.000m3/năm tại xã Cư Yang, huyện Ea Kar; Nghiệm thu Đề án Ứng dụng thiết bị sản xuất củi đốt tại thị trấn Ea Sup, huyện Ea Sup…

Có thể nói, sự đồng hành của Trung tâm Khuyến công Đăk Lăk đã giúp các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn giảm bớt phần nào gánh nặng kinh phí. Tuy nhiên, hiệu quả lớn nhất của khuyến công tỉnh là đã tạo được mô hình điểm, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn tham gia và thụ hưởng chương trình khuyến công và xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp nông thôn tỉnh phát triển./.