Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:23 GMT+7

Tin hoạt động

Lợi ích cho doanh nghiệp từ sản xuất sạch hơn

23/05/2014

Một trong những công cụ hữu ích giải quyết các vấn đề này là áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) tại các cơ sở công nghiệp.

Chưa tạo được động lực cho DN triển khai

Theo kết quả khảo sát đánh giá gần đây đã cho thấy mức độ nhận thức về SXSH tại cơ sở sản xuất công nghiệp trên toàn quốc là khác nhau và chưa đầy đủ. Số các ngành sản xuất công nghiệp biết đến SXSH bao gồm chủ yếu các doanh nghiệp về dệt may, rau quả nông sản, khai khoáng, mỏ, xi măng, gạch, chế biến thực phẩm… Tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH thu được kết quả là giảm trên 5% tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, có  khoảng 12 Sở Công thương đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH như Hà Nội, Bến Tre, Phú Thọ, Quảng Nam…, khoảng 50 Sở Công thương có khả năng phổ biến, đào tạo về SXSH, gần 400 cán bộ Sở Công Thương có kiến thức về SXSH thông qua các kênh hội thảo, đào tạo hoặc thông tin đại chúng. Theo ước tính có khoảng 11% DN sản xuất công nghiệp trên toàn quốc có áp dụng SXSH trên tổng số hàng nghìn các DN.

Tuy nhiên, SXSH ở VN hiện nay cũng còn nhiều mặt hạn chế và thách thức. Về mặt cơ sở pháp lý, tuy đã có các quy định khá tốt, nhưng vẫn cần được kiện toàn, cơ sở pháp lý cần đủ mạnh. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật triển khai cần tiếp tục cải thiện để đáp ứng nhu cầu thực tế...

Và những hành động cụ thể

 “Chúng tôi đang xây dựng nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường đề cập đến các vấn đề hỗ trợ các DN thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường tư vấn cho công tác bảo vệ môi trường và tái chế, tái sử dụng chất thải. Đây là những vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm trong nghị định mới này. Từ đó thúc đẩy các DN giảm phác thải tại nguồn, giảm sử dụng năng lượng”, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết.

Theo TS. Đoàn Duy Khương, thời gian qua VCCI đã có nhiều hoạt động cụ thể để hỗ trợ DN trong vấn đề này. Cụ thể, trong khuôn khổ hoạt động của Dự án Đào tạo Sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải dành cho các DN tại VN được tài trợ bởi Cty TNHH Dow Chemical và sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch thuộc Bộ Công thương, Dự án đến nay đã tổ chức, triển khai được 23 khóa đào tạo tại 23 tỉnh/thành phố trên cả nước bao gồm các tỉnh thành phố tại miền Bắc và nhiều thành phố khác. Nội dung tập huấn chủ yếu nhằm giới thiệu cách tiếp cận, áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó, ngăn ngừa và nâng cao hiệu quả sự dụng tài nguyên/năng lượng, cắt giảm chi phí nhờ giảm thiểu tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng nguyên nhiên liệu trong sản xuất, giảm thiểu các tác động về môi trường. Như vậy, với chương trình đào tạo này, đã có tới 1.621 lượt người tham dự đến từ 1.151 DN và một số cơ quan địa phương nơi tổ chức đào tạo.

Theo các chuyên gia, trước những thách thức đang đặt ra với vấn đề SXSH, cần đặt ra yêu cầu cấp bách phải tăng cường năng lực quản lý, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh. Để xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong công nghiệp đòi hỏi cần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên coi công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên là điều kiện nền tảng để phát triển sản xuất là hết sức cần thiết của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyền truyền, đào tạo để nâng cao nhân thức, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các sáng kiến tập thể bảo vệ môi trường, đề suất các khuyến nghị xây dựng và cải thiện các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi thông qua các khảo sát, nghiên cứu.