Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 08:11 GMT+7

Tin hoạt động

Tiết kiệm điện trong doanh nghiệp ở Quảng Nam: Cần đổi mới công nghệ

07/05/2014

Tiết giảm chi phí

Ngành dệt may là ngành hàng xuất khẩu nhưng chủ yếu gia công là chính nên mỗi khi giá cả nguyên vật liệu và chi phí sản xuất đồng loạt tăng sẽ gây khó khăn cho DN. Theo bà Nguyễn Thị Như Nguyệt - Giám đốc Công ty CP May Trường Giang (Tam Kỳ, Quảng Nam), mỗi khi Ngành điện có thông báo tăng giá điện thì liền sau đó, DN nhận được nhiều thông báo tăng giá cước vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào từ nhiều đối tác cung cấp vật tư. Ngoài ra, DN cũng đang “đau đầu” trong việc đảm bảo đời sống cho công nhân khi nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá. Trước những thách thức này, DN phải tính đến chiến lược phân khúc đầu tư, vừa duy trì sản xuất vừa đầu tư, mở rộng các ngành nghề để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Trong 3 năm qua (2011 - 2013), Công ty đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng đổi mới công nghệ, thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, tạo bước chuyển tích cực trong sử dụng điện. Cụ thể, năm 2011 thay đổi hơn 50% máy cơ thành máy may điện tử; năm 2012, thay thế hết số máy còn lại cùng các loại thiết bị khác kèm theo tại 4 phân xưởng. Nhờ sự đầu tư đồng loạt các thiết bị may điện tử nên lượng điện được tiết giảm từ 20 - 30% so với máy cơ trước đây. Ngoài ra, Công ty còn thay toàn bộ quạt điện, máy điều hòa bằng 31 đầu phun hơi nước làm mát; thay 29 bàn là đốt hơi bằng dây may - xo dùng điện bằng bàn là dùng hơi nóng từ nồi đun bằng củi trấu; việc nấu ăn tại bếp ăn tập thể cũng tận dụng hơi nóng thay vì dùng bếp điện như trước đây… Nhờ đó, việc sử dụng điện ngày càng hợp lý, hiệu quả hơn với chi phí tiền điện giảm từ 2,5% xuống còn khoảng 1,5% trong tổng doanh thu.

Đối với Công ty CP Đồng Tâm miền Trung (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc), để tiết kiệm điện (TKĐ), Công ty đã tiến hành thay thế 600 bóng đèn sợi đốt bằng 300 bóng đèn compact; dùng thông gió tự nhiên thay 3 máy nén làm lạnh bằng điện; điều hòa bằng hệ thống hơi nước; tận dụng hơi nóng thải ra từ lò nung để sấy sản phẩm thô. Bằng cách này, công ty đã tiết kiệm hơn 15% lượng điện, bằng 300.000 kWh/tháng. Ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc công ty cho biết: “Qua kiểm toán năng lượng, chúng tôi phân tích xây dựng định mức sử dụng điện cho mỗi công đoạn, đồng thời mời chuyên gia nước ngoài kiểm tra, đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị mới thấy việc sử dụng điện như vậy là hợp lý, hết sức tiết kiệm”.

Tuy nhiên, giảm chi phí giá thành điện đối với DN sản xuất công nghiệp không phải là đơn giản. Muốn tiết kiệm năng lượng hợp lý không còn con đường nào khác là đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại nhưng do nguồn vốn đầu tư lớn nên các DN chỉ chọn phương án thay thế dần một số thiết bị tiêu hao điện nhiều hoặc cải tiến dây chuyền công nghệ, tận dụng nhiệt lượng, hơi đốt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều DN với công nghệ, thiết bị sản xuất còn lạc hậu, không đồng bộ, hiệu quả kinh doanh thấp do chi phí điện năng khá lớn.

Giải pháp đầu tư công nghệ

Nhiều DN xác định, TKĐ để giảm chi phí, đổi mới công nghệ hay bộ phận của công nghệ… đều là những giải pháp trong tình hình hiện nay. Vấn đề là tùy thuộc vào phương án TKĐ của từng DN để có giải pháp hợp lý. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, hiện nay nếu chưa tính đến những giải pháp cần đầu tư có chi phí lớn mà bằng những giải pháp quản lý tốt, biết cách kiểm soát quá trình sản xuất cũng như trang bị những kiến thức về kiểm toán năng lượng, DN cũng có thể tiết kiệm từ 5 - 10% lượng điện tiêu thụ. Cái chung nhất là các DN phải tuân thủ thực hiện tốt biểu đồ phụ tải, hạn chế sản xuất và không dùng các thiết bị công suất lớn trong giờ cao điểm. Ngoài ra, DN cũng nên bố trí chế độ hoạt động của các thiết bị hợp lý. Để TKĐ, các DN cần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng giúp kiểm soát và duy trì kết quả thực hiện các biện pháp TKĐ, đảm bảo vấn đề quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả. Bố trí sản xuất hợp lý để tận dụng cơ chế điện 3 giá; sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt, sử dụng đèn huỳnh quang T5 tại khu vực văn phòng; lắp biến tần cho các động cơ công suất lớn...

Để đạt hiệu quả trong TKĐ, ông Võ Thí - Trưởng Phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương Quảng Nam) cho rằng, thay đổi toàn bộ công nghệ thì khó nhưng có thể thay thế một số bộ phận bằng thiết bị biến tần để TKĐ. DN nhỏ có thể thay thiết bị này với chi phí hợp lý. Theo tính toán, nếu đầu tư máy biến tần cho một động cơ sơ cấp công suất 100kW thì thời gian thu hồi vốn đầu tư cho một bộ biến tần khoảng từ 3 - 6 tháng.

Về chiến lược lâu dài, việc xây dựng kiểm toán năng lượng trong DN là rất cần thiết. Ở một số DN, giảm tiêu hao điện được xem là “phao cứu sinh”, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Mặc dù, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả đã có hiệu lực được gần 4 năm qua nhưng nhìn chung, việc triển khai thực hiện của các DN ở Quảng Nam chỉ mới khởi động ở giai đoạn đầu. Thời gian đến, Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát DN sử dụng năng lượng theo luật. Cụ thể, các DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm (sử dụng điện có công suất lớn) buộc phải kiểm toán năng lượng với chu kỳ 3 năm/lần để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời có biện pháp khắc phục các yếu kém nhằm sử dụng năng lượng có hiệu quả. Do vậy, dù có muốn hay không, các DN tiêu hao nhiều năng lượng buộc phải kiểm toán năng lượng, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như giảm thiểu phát thải ra môi trường.