Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:50 GMT+7

Tin hoạt động

Cần Thơ xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái

03/11/2015

Hiện Cần Thơ có 8 KCN tập trung, thu hút 212 dự án với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 842 triệu USD. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các KCN, đặc biệt là KCN Trà Nóc (1 và 2) ngày càng gia tăng, gây bức xúc cho nhiều người dân. Trước thực trạng trên, yêu cầu cải thiện môi trường tại các KCN, kiểm soát ô nhiễm tại nguồn được UBND TP. Cần Thơ đánh giá là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần sớm thực hiện.

Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" với mục tiêu tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái, nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít khí carbon; áp dụng phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và DN trong KCN được xem là cơ hội cho Cần Thơ trong việc từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN.

Theo đó, Cần Thơ đã lựa chọn 2 KCN tham gia dự án là KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Phần lớn các DN tại KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 đều hoạt động trong ngành chế biến thủy sản, thực phẩm nên sử dụng nhiều năng lượng. PGS.TS Trần Văn Nhân - Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho biết: “Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia dự án thực hiện tại nhóm 16 DN đang hoạt động tại 2 KCN này cho thấy, toàn bộ các DN được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái gắn với sản xuất sạch hơn. Mức tiết kiệm được ước tính với điện năng từ 5-30%, nước từ 5-20%. Nếu thực hiện chuyển đổi thành công, các DN được hưởng lợi đáng kể thông qua cắt giảm chi phí sản xuất và qua đó cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của mình".

Còn theo ông Trần Minh Kiệt, Phó Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, tham gia vào dự án là cơ hội rất tốt để TP. Cần Thơ tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước, phương thức quản lý tốt hóa chất tại các KCN. Các hoạt động hỗ trợ DN về sản xuất sạch hơn, cho vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ được xem là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp DN có nhiều cơ hội và khả năng đổi mới công nghệ hiện tại để tiết kiệm năng lượng và chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: KCN sinh thái là mô hình mới, lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Tại các KCN triển khai thực hiện dự án, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường và giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái sẽ được thực hiện trước hết ở phạm vi DN, thông qua hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại, các chất gây ô nhiễm nước và hóa chất.