Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:04 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất điện từ phế thải nông nghiệp

09/10/2015

Hàng năm ngành lâm nghiệp nước ta khai thác, chế biến 1,4 triệu m3 gỗ, 250.000 tấn tre, trúc, song, mây với khối lượng mùn cưa, vỏ dăm bào... khoảng 150.000 tấn. Khối lượng phụ phẩm trong ngành chế biến giấy cũng lên đến hàng triệu tấn. Khối lượng phế phẩm nông nghiệp nhiều nhất nhưng được sử dụng lãng phí nhất là 3,5 triệu tấn trấu thu gom từ các cơ sở xay xát lúa trong cả nước cùng 1,7 triệu tấn rơm rạ.

Ngoài ra các nguồn phụ phẩm nông nghiệp khác như cây cao su, vỏ điều, xơ dừa, chất thải sinh khối từ cây mía... cũng có khả năng cung cấp khoảng 3,5 triệu tấn. Tổng hợp các nguồn phế thải sinh khối, mỗi năm có thể thu được từ 8-11 triệu tấn, nếu dùng để sản xuất điện bằng công nghệ nhiệt - điện, sẽ tạo ra 3-4 triệu kWh điện với chi phí chỉ bằng 10-30% so với nhiên liệu hóa thạch.

Thực hiện dự án "Sử dụng năng lượng từ chất phế thải sinh khối", các nhà khoa học thuộc Viện cơ điện nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã biến nguồn phế thải nông nghiệp này thành điện năng và nguồn nhiệt sạch phục vụ cuộc sống.

Viện đã tiến hành xây dựng dây chuyền công nghệ phát điện và nhiệt kết hợp theo phương pháp đốt tầng sôi dùng trấu và phụ phẩm nông nghiệp tại Xí nghiệp chế biến lương thực số 2, Công ty lương thực Long An nhằm tận dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng chất phế thải biến thành điện năng và nguồn nhiệt sạch. Một hệ thống phát điện kết hợp nhiên liệu từ trấu bằng công nghệ đốt tầng sôi, phục vụ cho khâu sấy sản phẩm nông nghiệp với nguồn điện phát là 50 kW đã được đầu tư với kinh phí 110.000 USD, sau 6-8 năm hoạt động có thể thu hồi vốn.

Về lâu dài, GS. Phạm Văn Lang cho rằng, công nghệ đốt tầng sôi thu nhiệt- điện chỉ sinh lãi chứ không thể thua lỗ vì nó là chu trình sản xuất quay vòng khép kín, phế thải của công đoạn này lại là nguyên liệu của công đoạn kia.

Sau một thời gian thử nghiệm, kết quả thu được cho thấy hệ thống này một giờ cho lượng nhiệt khoảng 1.296.000 kcal, có thể sử dụng để sấy khô đuợc 8 tấn thóc có độ ẩm từ 22% xuống còn 16%. Với 2 tầng sấy, hệ thống này cho phép sấy ở 2 mức độ khác nhau: sấy ở tầng sôi với nhiệt độ 110OC dành cho nguyên liệu là lúa có độ ẩm từ 28-29% xuống còn 20-23%, sau đó nếu cần sấy khô hơn nữa, lúa sẽ được chuyển tiếp sấy ở tầng thấp ở nhiệt độ 50-60OC.

Hệ thống này còn có thể sấy được rất nhiều nông sản khác nhau như gạo, đậu tương, củ quả... Mức chi phí cho một tấn thóc sấy khoảng 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những vùng có mùa mưa kéo dài vì hệ thống sẽ đảm bảo cung cấp nhiệt lượng để sấy với khối lượng lớn nông sản mà không phải phụ thuộc vào thời tiết.

GS. Phạm Văn Lang khẳng định: công nghệ sấy tầng sôi áp dụng với chất thải sinh khối (vỏ trấu, mùn cưa, vỏ cà phê...) dùng để phát nhiệt-điện mang lại hiệu quả cao. Với khả năng tiên thụ 600-700 kg chất thải sinh khối có thể tạo ra được 50 kWh điện và sấy khô 20-25 tấn thóc.

Nếu chỉ dùng nhiệt để sấy thì khối lượng chất thải sử dụng chỉ vào khoảng 50-70 kg, sấy được 6-7 tấn hạt nông sản. Công nghệ đốt tầng sôi này thải ra một lượng khí nitrat, sunphát... không đáng kể, nhờ vậy mà giải quyết đáng kể vấn đề môi trường do chất thải từ phụ phẩm nông nghiệp gây ra, đặc biệt vùng có nhiều nhà máy xay xát gạo ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các nhà khoa học, công nghệ phát điện này cũng thích hợp với việc tái sử dụng bã thải của nhà máy đường (bã mía), chế biến cà phê (vỏ cà phê sau khi xay xát) hoặc những vùng nhiều nguyên liệu thuộc vùng sâu, vùng xa đang cần năng lượng cho sinh hoạt và có yêu cầu sấy nông sản.

Sau dự án thí điểm tại Công ty lương thực Long An, hiện tại, Viện cơ điện nông nghiệp đã triển khai thêm 6 hệ thống tương tự tại Sơn La (dùng để sấy gỗ), Đắc Lắc (sấy cà phê) và Thanh Hóa (áp dụng trong dây chuyền sản xuất phân bón), Hà Tây (sấy lúa).

Ngoài ra, 3 lò đốt tầng sôi sấy xi măng tại Cát Lái (Tp.HCM), Kiên Giang, tro đốt từ các lò sấy này có tỷ lệ SiO2 lên tới 91% và là một dạng tro vô định hình rất tốt cho việc dùng làm chất phụ gia để sản xuất vật liệu xây dựng (gạch chịu lửa, xi măng, tấm cách âm, vật liệu composit ...), giá loại tro này lên đến 15-20 USD/tấn.

Với nhu cầu sử dụng năng lượng để làm khô, bảo quản và chế biến nông sản ngày càng tăng như hiện nay, việc khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp phong phú là hướng đi và việc làm mang tính chiến lược, có ý nghĩa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.