Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 22:38 GMT+7

Tin hoạt động

Tiết kiệm nhờ sản xuất sạch hơn

22/04/2013

Phát biểu tại hội thảo “Hướng tới xã hội sản xuất và tiêu dùng bền vững, thông qua thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” ngày 18/4 ở tại Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC), cho biết sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển nhanh của các ngành công nghiệp trong 20 năm qua, dẫn đến sự tổn hại tài nguyên và làm suy giảm chất lượng môi trường.

Chính vì vậy, Nghị quyết 41 NQ/TW ngày 15/11/2004 đã định hướng cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là “”coi phòng ngừa ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo, kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên” đảm bảo sự phát triển bền vững.

Để hỗ trợ kịp thời cho Việt Nam kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong công nghiệp, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng phát triển bền vững, VNCPC được thành lập nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất sạch hơn.

Tại hội thảo nhân kỷ niệm 15 năm thành lập của VNCPC, các chuyên gia trao đổi thông tin và kinh nghiệm đạt được trong quá trình áp dụng sản xuất sạch hơn và xây dựng các mẫu hình sản xuất và tiêu thụ bền vững tại Việt Nam trong những năm qua. Trong bối cảnh ”Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” được thông qua hồi tháng 9/2012, hội thảo đề xuất định hướng cho các hoạt động về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn phục vụ chiến lược phát triển bền vững của đất nước.
 
Thực tiễn gần 20 năm xúc tiến áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho thấy sản xuất sạch hơn đã áp dụng thành công ở các doanh nghiệp. Thực hiện tốt việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào điều hành hoạt động của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ là một yếu tố quan trọng trong phát triển công nghiệp xanh, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở nước ta trong những năm tới.
 
PGS.TS Trần Văn Nhân cho biết VNCPC đã áp dụng tiếp cận ngành, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, tập đoàn và tổng công ty các ngành công nghiệp để lựa chọn doanh nghiệp triển khai trình diễn kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.

Tính đến năm 2009, đã có trên 250 doanh nghiệp trực tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của VNCPC. Các doanh nghiệp này đã thu được các lợi ích khá ấn tượng về kinh tế và môi trường từ áp dụng sản xuất sạch hơn trong năm tham gia trình diễn kỹ thuật.
 
Tổng giá trị lợi ích kinh tế nhờ tiết kiệm nguyên, vật liệu, nhiên liệu và năng lượng của các doanh nghiệp là 9,7 triệu USD/năm, trong khi tổng đầu tư cho thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn là 4,7 triệu USD. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng đã giảm được trung bình từ 20 – 50% nước thải và khí thải, 10 – 40% chất thải rắn.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là khái niệm đã xuất hiện từ đầu thập niên 90 trên thế giới nhưng tại Việt Nam khái niệm này mới phổ biến trong vài năm trở lại đây. Sản xuất và tiêu dùng bền vững được định nghĩa là việc sử dụng các dịch vụ và sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa giảm thiểu lượng tài nguyên và nguyên liệu độc hại sử dụng, cũng như giảm phát thải và gây ô nhiễm môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, dịch vụ để không ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ mai sau.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà VNCPC đã đạt được trong 15 năm qua, đã đóng góp chung vào sự nghiệp khoa học công nghệ, phát triển bền vững của đất nước.

Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam được thành lập năm 1997 trong khuôn khổ các dự án được ký giữa UNIDO với Bộ Giáo dục & Đào tạo do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ nhằm giới thiêu và chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong công
nghiệp, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng phát triển bền vững. Từ chỗ là một trung tâm tập trung vào nâng cao nhận thức và nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp hướng tới sản xuất sạch hơn, đến nay lĩnh vực hoạt động của VNCPC đã bao gồm cả các dự án về đổi mới sản phẩm và thúc đẩy tiêu dùng bền vững từ phía người tiêu dùng. Chính vì thế hiện nay VNCPC đã trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới Toàn cầu về Hiệu quả Tài nguyên&Sản xuất Sạch hơn (RECPnet) của UNIDO và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).