Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:14 GMT+7

Tin hoạt động

Sở TNMT và hoạt động sản xuất sạch hơn

12/03/2013

SXSH tại hiện trường cùng với Sở TNMT và các cơ quan, tổ chức đối tác…

Trong dự án VCEP II (từ năm 2001 đến năm 2005) và VPEG (từ năm 2010 đến năm 2012), Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) đã phối hợp với một số Sở TNMT xúc tiến thực hiện SXSH bằng các hoạt động tập huấn và trình diễn tại các cơ sở công nghiệp trong các ngành sản xuất công nghiệp khác nhau. Dự án VPEG đã hỗ trợ Sở TNMT thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Ngãi, Hải Dương, Long An và Sóc Trăng triển khai thực hiện các dự án trình diễn về SXSH.

Trong giai đoạn 2010-2011, VPEG đã hỗ trợ 15 cơ sở công nghiệp hoàn thành trình diễn đánh giá sản xuất sạch hơn. Việc trình diễn gồm tập huấn giới thiệu các khái niệm SXSH, phương pháp và thực hành SXSH, và hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của VNCPC. Việc trình diễn tại một cơ sở công nghiệp được thực hiện trong 6 – 9 tháng và gồm 4 bước chính:

    * Module 1: Xây dựng năng lực SXSH và đánh giá bước đầu;
    * Module 2: Đánh giá chi tiết SXSH;
    * Module 3: Lập kế hoạch thực hiện SXSH cho doanh nghiệp; và,
    * Module 4: Đánh giá kết quả và duy trì SXSH tại doanh nghiệp.

Đã có tổng cộng 363 phương án SXSH được giới thiệu cho các cơ sở công nghiệp tham gia và tổng số tiền đầu tư cho chương trình SXSH của các doanh nghiệp này là khoảng 46,2 tỷ đồng. Chương trình SXSH đã giúp các doanh nghiệp tham gia tiết kiệm được 29,7 tỷ đồng nhờ giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu, điện, nước và hóa chất. Con số chi tiết lượng chất ô nhiễm giảm được trong một năm sản xuất là như sau:

    * Nước thải: 73.247 m3;
    * Rác thải rắn: 1.136 tấn;
    * Rác thải hóa chất: 22,8 tấn; và,
    * Khí thải gây hiệu ứng nhà kính: 8.257 tấn CO2 và 74.025 kg bụi.

Vai trò của Sở TNMT trong SXSH…

Phòng ngừa ô nhiễm (và SXSH) là bước đầu tiên trong các biện pháp can thiệp cần được xem xét khi giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường công nghiệp. Phương pháp được thừa nhận rộng rãi trên thế giới là doanh nghiệp trước hết phải tìm cách giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng và tái chế nguyên liệu rồi mới xử lý phần ô nhiễm còn lại do quá trình hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả các loại chất thải như nước thải, khí thải, các loại rác thải.  

Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án VPEG trong SXSH, các Sở TNMT không chỉ phát triển được những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong đánh giá SXSH mà còn thiết lập được quan hệ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương. Sở Công thương là cơ quan phối hợp chính của Sở TNMT trong công tác SXSH và Sở Công thương có nhiệm vụ triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Sản xuất Sạch hơn do Chính phủ ban hành tháng 9 năm 2009. Do đó, các nhóm công tác SXSH đã được thành lập ở một số tỉnh. Sở Công thương và Sở TNMT có thể cộng tác chặt chẽ với doanh nghiệp, tham mưu và tư vấn căn bản về SXSH để giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Một thành tựu quan trọng khác mà những biện pháp can thiệp này mang lại là khả năng của Sở TNMT đã được nâng cao trong việc phổ biến SXSH rộng rãi trong các cơ sở công nghiệp và hội ngành nghề tại địa phương. Bên cạnh chất lượng môi trường và cảnh quan nơi làm việc được cải thiện thì một ích lợi quan trọng nữa của phòng ngừa ô nhiễm là hiệu quả kinh tế đối với chủ doanh nghiệp, chủ yếu nhờ tiết kiệm năng lượng và tiêu thụ nguyên liệu thô. Đây là những bằng chứng thuyết phục để các doanh nghiệp triển khai các chương trình phòng ngừa ô nhiễm và SXSH tại doanh nghiệp mình.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về môi trường, các Sở TNMT tham gia hoạt động SXSH trong VPEG đã tăng cường được uy tín của mình đối với các cơ quan ban ngành hữu quan và doanh nghiệp. Một số Sở TNMT đang xây dựng và thực hiện các chương trình SXSH hoặc đóng vai trò chủ chốt trong chương trình SXSH ở địa phương. Với chương trình hoạt động như vậy, SXSH sẽ được phổ biến một cách bền vững và những nhóm nòng cốt thực hiện SXSH sẽ có cơ sở để tham mưu, tư vấn những kiến thức cơ bản về SXSH cho doanh nghiệp và các ngành công nghiệp.

Một số ví dụ về chương trình SXSH...

    * Chương trình SXSH ở Hải Dương là một chương trình chung thúc đẩy ứng dụng SXSH tại địa phương. Đây là chương trình phối hợp giữa Sở TNMT và Sở Công thương và được cấp kinh phí từ ngân sách của tỉnh. Một nội dung trong chương trình này là phổ biến các kết quả và lợi ích của SXSH từ 4 mô hình trình diễn SXSH của VPEG tới các doanh nghiệp khác. Hai mô hình trình diễn SXSH hiện nay là những đối tượng doanh nghiệp đầu tiên được chọn cho việc phổ biến và nhân rộng SXSH tại tỉnh Hải Dương.  

    * Chương trình SXSH ở Sóc Trăng là một chương trình chung giữa Sở TNMT và Sở Công thương để phổ biến kết quả của 6 mô hình trình diễn SXSH do VPEG hỗ trợ tới 15 doanh nghiệp khác và các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc phổ biến kết quả và lợi ích của SXSH nhằm phục vụ hai chương trình phòng ngừa ô nhiễm ở Sóc Trăng: kế hoạch hành động SXSH và chương trình di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.