Mặc dù lượng điện cung cấp cho nông
thôn đang ngày một tăng với chất lượng ngày càng cao, tuy nhiên, điện
dùng trong sản xuất, chế biến nông lâm sản còn hạn chế. Cụ thể, dù gần
100% số xã; 85-99% số thôn và 94-98% số hộ nông dân được sử dụng điện
nhưng điện dùng trong sản xuất, làm khô khi chế biến nông lâm thủy sản
chỉ đạt dưới 7% tổng lượng điện cung cấp. Trong khi đó, lượng phế thải
sinh khối của nước ta khá dồi dào và chưa được sử dụng triệt để. Cụ
thể, các loại phế thải sinh khối được sử dụng nhiều là gỗ, củi, trấu
dùng để đun nấu; vỏ cà phê và các chất phế thải khác hoặc được sử dụng
rất ít hoặc bị thải, bỏ, gây lãng phí cũng như ô nhiễm môi trường. Nếu
tổng hợp các nguồn phế thải sinh khối trong chế biến nông, lâm sản của
nước ta hàng năm có thể thu được từ 8-11 triệu tấn phế thải sinh khối.
Để sản xuất 1kWh điện bằng nguồn nguyên liệu này cần khoảng 3-4kg chất
thải sinh khối, như vậy mỗi năm cả nước tạo được khoảng 3,8-4 triệu kWh
điện và 11-12 triệu kWt nhiệt. Với tiềm năng đó, phế thải sinh khối có
thể được sử dụng hiệu quả trong công nghệ đốt tạo nhiệt và điện phục vụ
cho sản xuất và đời sống.
Ngoài những giá trị về môi trường, sử dụng phế thải sinh khối để sinh
nhiệt còn có tác dụng lớn về kinh tế. Bởi từ 2-4 kg chất thải sinh khối
sẽ cho lượng nhiệt tương đương với 1 kg than antraxit, với giá chỉ bằng
5-10% giá than, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Với những lợi thế như vậy, ở Việt Nam, công nghệ sấy tầng sôi đã được
áp dụng bằng cách dùng chất thải sinh khối (vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn
cưa…) để phát nhiệt - điện, mang lại hiệu quả cao. Nếu vừa thu nhiệt
vừa phát điện, công nghệ này mỗi giờ tiêu thụ từ 600-700kg chất thải
sinh khối (tạo được 50kW điện, sấy được 20-25 tấn thóc/mẻ). Nếu chỉ
dùng nhiệt để sấy, mỗi giờ chỉ tiêu thụ từ 50-70kg chất thải (sấy từ
6-7 tấn hạt nông sản/mẻ, đưa độ ẩm từ 30% xuống còn 14%).
Để nhân rộng hiệu quả từ công nghệ này, trong thời gian qua, Viện Cơ
điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã lựa chọn hệ thống đốt
tầng sôi tạo khí nóng với nhiệt độ thích hợp để phục vụ cho việc sấy cà
phê, ngô, sắn tại 8 công ty, hộ gia đình ở Sơn La, Hà Nội, Gia Lai,
Nghệ An; sấy lúa ở Long An. Hệ thống này có đặc điểm sử dụng trấu làm
chất đốt, cung cấp lượng nhiệt sạch để sấy nông sản (để sấy thóc có độ
ẩm từ 22% xuống còn 16% thì mỗi giờ có thể sấy được khoảng 8 tấn). Tro
thu được sau quá trình sấy được sử dụng làm vật liệu xây dựng (gạch, xi
măng) hoặc làm phân bón. Cụ thể, khi được áp dụng tại Công ty Cà phê
Sơn La, công nghệ đốt tầng sôi sử dụng chất thải sinh khối (trấu, mùn
cưa, gỗ vụn…) đã sinh ra lượng nhiệt 700-800kWt/h, thay thế một phần
than để sấy cà phê, ngô, mang lại hiệu quả lớn và được nông dân chấp
nhận.
Mặc dù mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và môi trường nhưng không dễ
để nhân rộng công nghệ này trong thực tế. Nguyên nhân đầu tiên chính là
dù cực kỳ dồi dào nhưng nguồn nguyên liệu này lại có tính mùa vụ, do
đó, làm sao có giải pháp để ổn định lượng nguyên liệu dùng phát nhiệt
là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, công nghệ phát nhiệt, điện từ
phế thải sinh khối, giống như hầu hết các công nghệ sử dụng năng lượng
tái tạo khác, khá đắt và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đầu
tư. Do đó, theo GS. TSKH Phạm Văn Lang - Viện Cơ điện nông nghiệp và
công nghệ sau thu hoạch, Nhà nước cần hình thành hệ thống chính sách
nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có năng
lượng từ phế thải sinh khối, từ đó phục vụ tốt hơn cho phát triển nông
nghiệp và nâng cao đời sống cộng đồng.