Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 01:09 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp để phát triển bền vững

28/01/2013

Theo ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương: Việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn bảo vệ môi trường trong xu hướng hiện nay được coi là giải pháp tăng trưởng ổn định và tất yếu. Sự gia tăng về số lượng các DN đã đưa nền kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng kinh tế công nghiệp. Tuy nhiên từ đó cũng đang đặt ra những vấn đề về môi trường cần được quan tâm và tháo gỡ kịp thời, tạo tiền đề để đưa công nghiệp phát triển bền vững.

Hiện toàn tỉnh có trên 160 DN công nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề: chế biến nông lâm, thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản,…và hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương với nhiều chính sách cụ thể như tiết kiệm điện năng tiêu thụ, cải tiến công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh,…. Ngoài ra, còn có các khu công nghiệp (KCN), trong đó chủ yếu là các cụm công nghiệp (CCN) đã được xây dựng và đi vào hoạt động, hầu hết các KCN và CCN chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh. Nhiều DN đã có ý thức về bảo vệ môi trường nhưng do khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên chưa triển khai được.

Công tác quản lý nhà nước và trợ giúp, định hướng các DN, cơ sở sản xuất nhằm hướng tới SXSH trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc tham gia thẩm định các thiết kế cơ sở các dự án trên địa bàn tỉnh, từ đó đóng góp ý kiến, khuyến cáo các đơn vị về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng và nguyên, nhiên, vật liệu...

Để từng bước giúp các DN tiếp cận với công nghệ SXSH, trong 2 năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Hợp phần SXSH trong công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Phổ biến về SXSH cho cơ sở công nghiệp tỉnh Ninh Thuận” và Khóa tập huấn “SXSH cho cơ sở công nghiệp tỉnh Ninh Thuận”, với tổng kinh phí 70 triệu đồng từ ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương hỗ trợ 43,1 triệu đồng phát hành ấn phẩm và tờ gấp tuyên truyền về SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh và tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng thực hiện SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. Các lớp tập huấn tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cách tiếp cận phương thức SXSH, trên cơ sở đó cùng các DN, cơ sở sản xuất đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể. Cũng trong năm 2012, qua rà soát tỉnh ta hiện có 2 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong nhóm những DN sử dụng năng lượng trọng điểm (quy dầu đạt trên 1.000 tấn) là: Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Xi măng Luks. Việc xác định này góp phần hình thành mạng lưới quản lý năng lượng, theo dõi nhu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả tại địa phương. Đây là bước quan trọng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và bước đầu làm quen với công nghệ SXSH.

Cũng chỉ trong 2 năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ một số đơn vị ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hoặc cải tiến một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất, hướng tới bảo vệ môi trường như thực hành quản lý nội vi, trong đó có kiểm soát quá trình sản xuất, tiết kiệm triệt để nguyên liệu đầu vào, tái sử dụng phế phẩm,…Một trong những DN đầu tiên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng SXSH trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh là Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang. Với công suất 1.500 tấn mía mỗi ngày, Công ty đã sử dụng trên 400 kWh điện sản xuất trên 100 tấn đường, đồng thời thải ra môi trường lượng bã mía gây lãng phí không ít. Sau khi tiếp cận Chiến lược SXSH trong công nghiệp, Công ty đã đầu tư 18 tỷ đồng để xây dựng lò hơi cao áp siêu nhiệt, sử dụng bã mía làm chất đốt để chạy tuabin phát điện. Kết quả Công ty đã tiết kiệm trên 70% chỉ số tiêu thụ điện năng trong sản xuất, đồng thời đáp ứng điện cho khối văn phòng. Không chỉ sử dụng bã mía làm chất đốt để sản xuất điện thay cho điện lưới quốc gia mà còn giải quyết thực trạng bã thừa, giảm thiểu chất thải rắn, làm sạch môi trường và góp phần hạ giá thành sản phẩm. Việc làm này của công ty được xem là điểm sáng trong ứng dụng SXSH trong công nghiệp tỉnh nhà.

Sở Công Thương còn tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động SXSH trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành lập phòng SXSH,…Hoạt động trên đã giúp DN nhận thức rõ hơn khái niệm SXSH và thấy được lợi ích thiết thực. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Công ty CP Xi-măng Phương Hải, chia sẻ: “Vừa qua, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền mới, hiện đại hơn 6 tỷ đồng để nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia về xi-măng; triển khai các giải pháp nhằm từng bước áp dụng SXSH vào hoạt động của DN. Đây là giải pháp để DN đạt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.”

Thực tế, từ khi áp dụng SXSH trong công nghiệp, một số DN đã giảm trên 10% chi phí sản xuất, giảm 15-20% các chất thải ô nhiễm…Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình SXSH trong công nghiệp tại tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn: thiếu sự  quan tâm và cam kết của các cơ sở công nghiệp với chiến lược SXSH; thiếu các chuyên gia về SXSH; thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Đặc biệt, thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý để bắt buộc DN áp dụng SXSH. Có DN bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư cho SXSH, trong khi các DN khác tự do xả chất thải ra môi trường chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền rất nhỏ.

Để đạt được mục tiêu thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2015, 100% đơn vị sản xuất công nghiệp trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản về SXSH; trên 100 cơ sở sản xuất công nghiệp điển hình triển khai áp dụng chương trình SXSH. Hàng năm, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch thực hiện SXSH, trong đó năm 2013, sẽ tập trung nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về SXSH; hỗ trợ kỹ thuật áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp và hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng SXSH trong công nghiệp. Ngoài ra, còn nghiên cứu công nghệ mới để trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở sẽ có những khuyến cáo chính xác, để góp phần phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh sự nỗ lực của Sở Công Thương còn cần phải có sự hợp tác của các sở, ngành, địa phương liên quan và cả cộng đồng.