Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy
Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An xung quanh vấn đề này.
Thưa
ông, sau 5 năm triển khai các mô hình trình diễn về SXSH trong công
nghiệp do Hợp phần CPI - Bộ Công Thương hỗ trợ, những hiệu quả mà Nghệ
An đạt được là gì?
Trong 5 năm qua, Nghệ An đã triển khai
rất nhiều hoạt động nhằm phổ biến SXSH đến với DN. Trước hết, UBND tỉnh
Nghệ An đã ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa những chủ trương của
Đảng và Nhà nước và tạo một hành lang pháp lý vững mạnh để các cấp chính
quyền tại địa phương làm căn cứ triển khai đồng bộ và nhất quán các
hoạt động SXSH.
Với sự hỗ trợ và giúp đỡ từ Hợp phần CPI, trong 5
năm qua, đã có 9 DN của Nghệ An, chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất có
nguy cơ gây ô nhiễm cao như; giấy, đường, thép… được hỗ trợ về kỹ thuật
và tài chính để triển khai các giải pháp SXSH. Kết quả là 9 DN này đã
giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường trong sản xuất, tăng hiệu quả sản
xuất kinh doanh. Cụ thể, trung bình các DN này đã giảm khoảng 10% lượng
nước tiêu thụ; 5-10% lượng điện tiêu thụ; 5-10% nguyên liệu; 10-20%
nhiên liệu… từ đó giảm đáng kể lượng phát thải ra môi trường. Kết quả
này cũng đã tạo hiệu ứng lan tỏa cao đến nhiều DN khác trên địa bàn
tỉnh. Thêm vào đó, Sở Công Thương Nghệ An cũng đã tổ chức gần 20 lớp tập
huấn, hội thảo cho hơn 1.500 lượt người là các cán bộ quản lý, DN về
các kiến thức và kỹ năng cơ bản về SXSH; Xây dựng hơn 10 bộ phim cùng
hàng chục bài báo, hàng ngàn áp phích, tờ rơi để tuyên truyền đến các DN
về lợi ích của SXSH. Các hoạt động tuyên truyền cùng với những kết quả
thành công từ các mô hình trình diễn đã giúp các DN nâng cao nhận thức
về bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh. Nhiều DN đã tổ chức
thành lập đội ngũ SXSH nhằm thay đổi hành vi, thói quen trong lao động,
sản xuất theo quy trình mà bộ phận tư vấn SXSH đã đánh giá và đưa ra.
Có
thể nói, sự hỗ trợ về kỹ thuật và một phần kinh phí của CPI đã giúp các
DN của Nghệ An bớt khó khăn trong việc đầu tư các giải pháp SXSH, giảm
thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này có tác dụng tích cực đến việc tuyên
truyền nhân rộng mô hình trình diễn về SXSH trên địa bàn tỉnh. Thêm vào
đó, CPI cũng đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước của
tỉnh hiểu biết sâu hơn về các lợi ích thiết thực và những kỹ năng cơ bản
về SXSH để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn. Sự tham gia hưởng
ứng nhiệt tình của một số DN trên địa bàn cũng đã góp phần tạo nên sự
thành công của dự án.
| Mục
tiêu chính Nghệ An đề ra là đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 50 DN công
nghiệp trên địa bàn được phổ biến các kiến thức cơ bản và tiến hành áp
dụng các biện pháp SXSH trong sản xuất, phấn đấu giảm lượng phát thải
hàng năm từ 10-15%, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào từ 5-7% trong quá
trình sản xuất.
|
Vậy
đâu là những rào cản mà Sở Công Thương cũng như các cán bộ CPI gặp phải
trong quá trình triển khai các hoạt động SXSH tại các DN, thưa ông?
Không
thể phủ nhận được rằng với sự trợ giúp của CPI, hoạt động SXSH đã đạt
được những thành công không thể phủ nhận khi triển khai trên địa bàn
tỉnh. Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn rộng, ngành nghề kinh doanh đa dạng
nên quá trình triển khai SXSH cũng gặp phải những khó khăn nhất định
trong việc giới thiệu, hướng dẫn giám sát thực hiện của DN. Đặc biệt,
không phải tất cả các DN đều sẵn sàng cho áp dụng SXSH bởi nhiều DN còn
gặp khó khăn về vốn, công nghệ sản xuất đã quá lạc hậu. Thêm vào đó, sức
ép lợi nhuận trước mắt và ý thức bảo vệ môi trường của DN chưa cao. Do
vậy, khi dự án kết thúc, những khó khăn về tài chính là thấy rõ. Đây
cũng là khó khăn lớn nhất hiện nay của địa phương để tiếp tục triển khai
chiến lược trong thời gian tới khi mà nguồn lực hỗ trợ của địa phương
chỉ có hạn.
Vậy tỉnh đã có kế hoạch hành động như thế nào để triển khai chiến lược quốc gia về SXSH trong thời gian tới, thưa ông?
Hiện
UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho các ngành các cấp và DN về việc đẩy
mạnh triển khai SXSH trên địa bàn. Cụ thể, đến giữa năm 2011, khi hợp
phần CPI kết thúc, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh cũng đã đồng ý
trích một phần kinh phí từ ngân sách để tiếp tục hỗ trợ DN triển khai
chương trình này trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ cố
gắng tiếp cận các nguồn tài trợ khác để tiếp tục duy trì triển khai các
hoạt động SXSH tại địa bàn với mong muốn sản xuất kinh doanh hiệu quả
gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền
cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ
tiếp tục khảo sát, lựa chọn thêm một số DN điển hình để xây dựng dự án
trình diễn và tiến hành hỗ trợ DN thực hiện. Đối với các DN đã được dự
án tư vấn hỗ trợ, bên cạnh việc tiếp tục duy trì áp dụng SXSH trong sản
xuất còn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan nhân rộng mô
hình áp dụng để các DN trên địa bàn có thể học hỏi kinh nghiệm và áp
dụng sau khi chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch kết thúc./.
Xin cảm ơn ông!
Lan Phương - Minh Kỳ thực hiện