Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:29 GMT+7

Tin hoạt động

Cần vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ

30/07/2015

Thiếu hụt nguồn năng lượng

Theo đánh giá của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức thiếu nguồn năng lượng cho phát triển. Về thủy điện, đến năm 2017 cơ bản được khai thác hết. Nguồn than, dầu, khí đang dần cạn kiệt và ngày càng gặp khó khăn trong nghiên cứu, thăm dò, khai thác, chi phí cao... Từ năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho phát điện và những năm tới có thể là khí LNG.

Một trong những nguồn năng lượng được kỳ vọng đó là năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sinh khối biomass, điện hạt nhân... Tuy nhiên, điều này lại đang vấp phải bài toán chi phí đầu tư, giá thành sản xuất và sự an toàn.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, một trong những giải pháp quan trọng được coi là “quốc sách’’ là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Song mỗi năm cả nước mới tiết kiệm được vài tỷ kWh giờ điện thương phẩm, chủ yếu nhờ vào tuyên truyền tiết kiệm điện trong sinh hoạt. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cường độ tiêu thụ năng lượng lớn, chiếm 53% sản lượng điện thương phẩm vẫn chưa tiết kiệm được đáng kể.

Theo đại diện Vụ Khoa học công nghệ, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), sau khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay cả nước mới có trên 400 giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp (DN) tham gia; hàng chục DN thay đổi dây chuyền và thiết bị theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 200 DN và hàng trăm tòa nhà được kiểm toán tiết kiệm năng lượng…

Trong khi đó, yêu cầu của Chính phủ là phải giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tiết kiệm từ 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc nhằm đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng trong thời gian tới.

Giải quyết bài toán vốn

Nhiều DN trong lĩnh vực xi măng, sắt thép, cao su, nhựa... cho rằng, không phải họ không nhận thức được lợi ích to lớn từ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nhưng đôi khi lực bất tòng tâm vì thiếu vốn.

Ông Lê Tuấn Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương cho biết, để đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp trong đó có hợp tác quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ. Hiện nay, Bộ đang làm việc với một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy một số chương trình hợp tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có đổi mới công nghệ sản xuất.

Hiện Chính phủ đã cho thành lập Quỹ đổi mới công nghệ khoảng 1.000 tỷ đồng với mục đích tài trợ dự án hoặc cho vay ưu đãi. Ngoài ra, một số Tổng công ty Điện lực phía Nam đã triển khai thí điểm “Giải pháp hỗ trợ sử dụng Năng lượng tiết kiệm & hiệu quả theo mô hình ESCO” - phối hợp đầu tư vốn để thay đổi dây chuyền công nghệ tiết kiệm năng lượng cho DN có nhu cầu. Nếu mô hình này được thực hiện rộng rãi thì đây cũng là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả DN và chương trình mục tiêu quốc gia./.