Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:29 GMT+7

Tin hoạt động

Tổng công ty Thép Việt Nam: Xanh hóa sản xuất

08/07/2015

PV: Thưa ông, ngành Thép là một trong những ngành gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Vậy, thời gian qua VNSTTEL quan tâm đến công tác này như thế nào?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển bền vững, luôn coi trọng đến tiêu chí bảo vệ môi trường (BVMT), VNSTTEL đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp:

- Thứ nhất, tăng cường tổ chức quản lý, nâng cao nhận thức về BVMT đến CBCNV-LĐ trong toàn Tổng công ty. Hàng năm CBCNV được huấn luyện định kỳ từ 1 đến 2 lần về an toàn kỹ thuật và BVMT. Công đoàn, Đoàn thanh niên VNSTTEL và các đơn vị thành viên tuyên truyền thực hiện tốt các phong trào thi đua sản xuất an toàn và BVMT, đào tạo nguồn nhân lực cũng như tăng cường nguồn tài chính và đầu tư nghiên cứu khoa học về BVMT.

- Thứ hai, VNSTTEL và các đơn vị thành viên đã tích cực đầu tư, thực hiện đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ tiêu hao ít nhiên liệu, năng lượng, phát thải ít, thân thiện với môi trường, nâng cao tuổi thọ thiết bị, rút ngắn chu kỳ luyện phôi, thép, gang nhằm giảm phát thải khí thải: Xử lý và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào; Sử dụng nguyên nhiên liệu sạch và tiết kiệm năng lượng trong sản xuất gang, phôi thép và cán thép...

- Thứ ba, đầu tư đổi mới công nghệ và hiện đại hóa thiết bị trong khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản quặng sắt; Cải tạo và nâng cấp những nhà máy có thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các nhà máy luyện cốc, luyện phôi, cán thép...; Đối với các dự án đang đầu tư và sắp đầu tư có quy mô công suất lớn, VNSTTEL xác định phải đưa công nghệ và thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo hiệu quả cao trong sản xuất và BVMT.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả BVMT thông qua việc triển khai các giải pháp đầu tư đổi mới công nghệ của VNSTTEL và các đơn vị thành viên.

Ông Nghiêm Xuân Đa: Qua việc triển khai các nhóm giải pháp về BVMT, các doanh nghiệp thành viên của VNSTTEL đã từng bước thành công. Việc áp dụng công nghệ sản xuất gang, thép theo công nghệ lò cao hàng năm các đơn vị thành viên đã tiết kiệm được lượng than cốc rất lớn. Với mức tiêu hao than cốc giảm được 0,01 tấn cốc/tấn gang như: mỗi năm Nhà máy luyện gang của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã tiết kiệm được 2.500 tấn than cốc. Mức tiết kiệm than cốc tính/tổng sản lượng gang hàng năm của toàn Tổng công ty tiết kiệm được lên đến hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, do đầu tư lò điện siêu công suất hiện đại, sử dụng gang lỏng nạp, lò điện... đã giảm được mức tiêu điện khoảng 30 - 50 kWh/tấn thép lỏng.

Hiệu quả trong BVMT của các đơn vị thành viên cũng đã thu được nhiều kết quả: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã nỗ lực, tập trung triển khai các giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường: xử lý khí thải trong quá trình dập cốc bằng thiết bị sủi bọt kết hợp với tháp đệm ngưng tụ, hệ thống lọc bụi tay áo, thiết bị lọc bụi Xyclon cho quá trình thiêu kết quặng, tiến hành đầu tư mới hệ thống xử lý nước thải cho dây chuyền cán thép công nghệ Italy...

Trong xử lý nước thải, Công ty đầu tư sử dụng hệ thống làm mát tuần hoàn nhà máy luyện gang, luyện thép. Đặc biệt Công ty còn quan tâm đến việc sử dụng phương pháp xử lý sinh học cho quá trình xử lý nước thải phenol của nhà máy cốc hoá với công nghệ hiện đại như: dùng bể trung hòa, thiết bị phản ứng keo tụ, bể tách dầu mỡ, bể AEROTANK... Bên cạnh đó, tại khu vực nhà xưởng, các công trường khai thác mỏ, Công ty Gang thép Thái Nguyên còn tự trồng hơn 1.000 ha với hơn 1,5 triệu cây xanh các loại. Để BVMT, các dự án đầu tư mới của VNSTTEL đều được lắp đặt các hệ thống xử lý chất thải, khí thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Công ty Thép Biên Hòa cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001-2000 nhằm bảo vệ môi trường. Công ty đã đưa vào vận hành “Hệ thống xử lý khí thải xưởng Luyện thép với công suất 800.000 m3/h”. Đây là hệ thống xử lý khí thải thế hệ mới và hiện đại nhất hiện nay với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng, thay thế toàn bộ hệ thống cũ…

PV: Trong công tác BVMT, VNSTTEL và các đơn vị thành viên thường gặp những khó khăn như thế nào thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Do lịch sử để lại nên VNSTTELViệt Nam có nhiều đơn vị thành viên được hình thành từ trước những năm 1975 ở cả miền Bắc và miền Nam nên công nghệ sản xuất không đồng bộ, lạc hậu. Tuy nhiên, để đầu tư công nghệ mới, doanh nghiệp ngành thép phải bỏ ra từ hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tuy có chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, nhưng số vốn hỗ trợ quá ít so với tổng vốn đầu tư cần có, việc tiếp cận nguồn vốn lại rất khó khăn nên việc đổi mới công nghệ vượt quá tầm tay của nhiều đơn vị.

VNSTTEL là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh rất đa ngành bao gồm khai thác và chế biến khoáng; luyện gang; luyện cán thép, sản xuất tôn mạ kẽm nạm màu; cơ khí, với số lao động khoảng 150.000 người ở khắp mọi miền đất nước. Môi trường làm việc có yếu tố độc hại và nguy hiểm nhưng đơn vị thành viên chưa chủ động phối hợp nhịp nhàng với cơ quan chuyên môn. Ngay bản thân một số doanh nghiệp chưa cụ thể hoá các mục tiêu BVMT thành chương trình hành động để vận động, động viên người lao động tích cực tham gia thực hiện.

PV: Để phát triển sản xuất song song với việc BVMT trong giai đoạn tới VNSTTEL đặt ra mục tiêu như thế nào thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Đa: Thời gian tới, với phương châm cần lấy phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, hạn chế phát sinh chất thải gây tác động đến môi trường. VNSTTEL tiếp tục lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu sản xuất nhằm đảm bảo tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, chú trọng áp dụng công nghệ “Sản xuất sạch hơn” để BVMT; Các Dự án đầu tư của VNSTEEL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam đều chú trọng đến tiêu chuẩn, tiêu chí về BVMT; Chú trọng đầu tư mới hoặc cải tạo thiết bị để nâng công suất các nhà máy luyện và cán thép hiện có đạt trình độ tiên tiến với các nước trong khu vực.

Ngoài các giải pháp trên, Tổng công ty sẽ chú trọng xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức quản lý hoạt động BVMT, tiếp tục đầu tư kinh phí để trồng cây xanh trong khuôn viên tại các đơn vị nhằm hạn chế các tác động từ hoạt động sản xuất đến khu vực xung quanh cũng như ảnh hưởng của các cơ sở sản xuất lân cận.

PV: Xin cảm ơn ông!