Vừa qua, Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (gọi tắt là CPI) phối hợp với Sở Công thương tổ chức lớp tập huấn tại huyện Quỳ hợp cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện, mục đích của cuộc tập huấn nhằm trang bị kiến thức về sản xuất sạch hơn và các vấn đề liên quan giúp doanh nghiệp nhận biết và triển khai thực hiện quy trình sản xuất sạch hơn, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Tại buổi tập huấn, đại diện các doanh nghiệp đã được giới thiệu về sản xuất sạch hơn gồm: khái niệm và lợi ích của sản xuất sạch hơn, các nguyên tắc thực hiện và các bước triển khai sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp. Nội dung buổi tập huấn đã chuyển tải tới đại diện các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Quỳ hợp một cách nghĩ mới và có tính sáng tạo đối với sản phẩm và quá trình sản xuất. Đó là sự áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp đối với các quá trình sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm rủi ro đến con người và môi trường. Đa số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ hợp vốn quá quen với vấn đề bị xử phạt, luôn đứng trước nguy cơ bị di dời đến địa điểm khác thậm chí bị đóng cửa do sản xuất ô nhiễm thì đây là những kiến thức có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển. Tuy vậy, điều đáng buồn là chỉ vọn vẻn gần 20 doanh nghiệp cử người đến dự tập huấn trong khi danh sách có đến 79 doanh nghiệp được mời. Và ngay trong số lượng ít ỏi đến buổi tập huấn đó chỉ xuất hiện vài ba chủ doanh nghiệp.
Sản xuất sạch hơn là một cơ hội để nền công nghiệp Quỳ Hợp phát triển bền vững
Quỳ Hợp là một địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển sớm. Nơi đây có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú như thiếc, đá các loại, đặc biệt là đá trắng với trữ lượng lớn. Là huyện thu hút và phát triển mạnh các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh, hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Do phát triển sớm, lại chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít nên việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Có mặt tại một điểm mỏ khai thác quặng nằm ngay trên đỉnh ngọn núi thuộc xã Châu Hồng mới thấy hết mức độ ảnh hưởng tới môi trường của hoạt động khai thác này. Bãi thải với hàng nghìn mét khối bùn đất sau quá trình rửa trôi sàng lọc để lấy quặng lại được “tập kết” tạm ngay giữa lưng chừng núi. Với những bãi thải như thế này chỉ một cơn mưa dài ngày có thể khiến vùng chân núi bị vùi lấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hệ thống khe suối của huyện Quỳ hợp hiện nay đều đỏ ngầu vì hoạt động khai thác quặng ở đầu nguồn.
Công ty TNHH Hồng Lương nằm trên địa bàn xã Châu Hồng của huyện Quỳ hợp. Xưởng luyện của doanh nghiệp chuyên khai thác và chế biến quặng này mỗi ngày sản xuất được một tấn thiếc. Và cứ mỗi một tấn thiếc thành phẩm xưởng phải chế biến từ 2 tấn quặng. Riêng để có 2 tấn quặng thì lượng tạp chất lọc ra cũng như hoá chất để xử lý còn gấp nhiều lần. Tuy vậy, lượng nước thải, chất thải của xưởng này chỉ được lắng tạm qua 3 chiếc bể với diện tích rất nhỏ sau đó được xả thẳng ra con suối gần đó. Bằng mắt thường cũng có thể thấy đây là minh chứng cho tính thiếu thực tế của tờ giấy cam kết đảm bảo môi trường mà các doanh nghiệp trên địa bàn Quỳ Hợp lâu nay vẫn được cấp.
Tình trạng của công ty TNHH Hồng Lương cũng là thực trạng chung hiện nay tại các khu công nghiệp nhỏ trên địa bàn Quỳ hợp. Hệ thống xử lý chất thải ở các dự án hoạt động chưa được đầu tư đồng bộ, gây ra ô nhiễm môi trường khi phần lớn nước thải, rác thải do các cơ sở sản xuất xả ra môi trường có nồng độ các chất ô nhiễm cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép, trong đó, có khoảng 35 - 41% là chất thải nguy hại. Một số xưởng sản xuất đi vào hoạt động nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Vì thế, toàn bộ chất thải, nước thải tự do đổ thẳng ra ao hồ, sông suối.
Quy trình sản xuất sạch hơn mà hợp phần CPI trong thời gian qua đã triển khai trình diễn tại 9 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cách làm không quá khó khăn để áp dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Cách xử lý ô nhiễm cuối đường ống truyền thống khiến doanh nghiệp phải tốn chi phí lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải đồng thời không thu được lợi nhuận từ việc xử lý ô nhiễm ngoài việc tuân thủ luật pháp. Với việc áp dụng sản xuất sạch hơn, các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ của huyện Quỳ hợp sẽ không chỉ giảm được ô nhiễm, giảm tổn thất nước, năng lượng và nguyên liệu mà còn giảm được sự cần thiết về quy mô của nhà máy xử lý chất thải.
Tuy vẫn còn nhiều công đoạn phát thải cần phải cải tiến nhưng riêng với hệ thống bể lắng lọc gồm 4 bể chứa, rộng 1200m2, công ty CP khai thác và XNK khoáng sản Thiên long ở khu công nghiệp Châu Quang, huyện Quỳ hợp đã tiết kiệm và quay vòng tái sử dụng được nguồn nước phục vụ sản xuất, chấm dứt được tình trạng xả thải thẳng ra sông suối. Việc làm này không những giảm được chi phí sản xuất cho công ty mà còn cải thiện được môi trường là việc của công nhân trong nhà xưởng do chất thải được thu gom tối đa.
Với công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện nay, việc đầu tư đổi mới là cần thiết, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng thiếc. Đây là giải pháp sản xuất sạch hơn yêu cầu đầu tư cao nhưng có tiềm năng tiết kiệm và nâng cao chất lượng sản phẩm với thời gian hoàn vốn đầu tư nhanh. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững trong kinh doanh. Bởi SXSH sẽ giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phế phẩm và bán thành phẩm có giá trị, tạo hình ảnh tốt hơn cũng như cải thiện được sức khỏe cho người lao động. Khi triển khai thực hiện mô hình SXSH, người quản lý sẽ xác định được hàm lượng nguyên vật liệu đầu vào bị thất thoát, hiểu được tại sao gây ra lãng phí, tiếp cận một cách có hệ thống để giảm thiểu sự thất thoát và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời quan trắc liên tục hiện trạng phát thải và tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tiềm năng phát triển công nghiệp của huyện Quỳ hợp là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên để thế mạnh đó được phát triển một cách bền vững, trở thành một điểm sáng về phát triển Công nghiệp, TTCN của tỉnh thì đòi hỏi cần phải có những cách nhìn mới, những nhận thức mới. Và sản xuất sạch hơn chính là chìa khoá để công nghiệp Quỳ Hợp phát triển bền vững trong tương lai.
(Xuân Hướng)