Với 7 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp và 61 làng nghề, công nghiệp đang trở thành ngành kinh tế chủ lực của Quảng Nam. Tỉnh này xác định, tận dụng lợi thế của các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao như công nghệ sinh học, công nghệ nano, sử dụng nguyên vật liệu mới là điều tất yếu. Tuy vậy, để phát triển được ngành công nghiệp này, đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ, công nghiệp phụ trợ thể hiện được vai trò cầu nối cho quá trình sản xuất và phát triển hệ thống ngành, trình độ lực lượng sản xuất ở mức cao và có khả năng kiểm soát được các yếu tố công nghệ. Câu hỏi đặt ra là: Quảng Nam đang ở đâu trong định hình phát triển các ngành công nghiệp mà vẫn đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững?
Mục tiêu của Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 chỉ rõ: “Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững”. Để bám sát các yêu cầu trên, ngành công nghiệp Quảng Nam cần ưu tiên phát triển các ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao.
Tuy nhiên, với tỉnh có hơn 60% dân số làm nông nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 30%, Quảng Nam chưa thể tiếp cận ngay với mục tiêu này mà vẫn phải ưu tiên cho những ngành giải quyết được nhiều lao động, tận dụng nguyên, vật liệu địa phương, phù hợp với trình độ tay nghề và khả năng của người lao động.
Tác động kép của giải pháp này sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển vùng nguyên liệu, hình thành các mô hình mới trong nông nghiệp, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, giải quyết tốt sinh kế lâu dài cho nhân dân. Khi đạt đến đỉnh cao của trình độ khoa học công nghệ thì việc gia tăng hàm lượng công nghệ cao trong thu hút kêu gọi đầu tư mới cần tính đến.
Đối với khu vực phía Đông tỉnh và các vùng lân cận thành phố Tam Kỳ, thị xã Hội An, dải ven biển nên tập trung phát triển những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề truyền thống.
Có thể nói, việc áp dụng triệt để mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp sẽ là lựa chọn khôn ngoan của các doanh nghiệp bởi nó giải quyết được nhiều lợi ích cho các bên: bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng, kéo dài tuổi thọ máy móc thiết bị, hình thành tác phong công nghiệp...
Để làm được điều này, Quảng Nam cần thiết lập mối quan hệ biện chứng 3N, trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng, quản lý, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên gia trên lĩnh vực sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, Nhà nước cần đóng vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn khác nhau.
Doanh nghiệp cần nhận thức tốt hiệu quả và lợi ích mang lại của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, chủ động thiết lập quy trình sản xuất, cải tiến công nghệ, cải thiện môi trường làm việc và xem sản xuất sạch hơn như là một dự án sinh lời. Người lao động cần hợp tác với doanh nghiệp, xem việc áp dụng sản xuất sạch hơn là trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính họ.
Nếu làm được điều này, mô hình 3N mới phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong chiến lược phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Nam.