Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 20:01 GMT+7

Tin hoạt động

Khuyến công Ninh Bình: Đầu tư lớn cho mục tiêu dài hơi

24/06/2015

Giai đoạn 2016-2020, Ninh Bình đầu tư 1.100 tỷ đồng cho hoạt động khuyến công. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 31,8 tỷ đồng và ngân sách địa phương 21 tỷ đồng, số kinh phí còn lại do các đơn vị thụ hưởng đóng góp. Nguồn kinh phí này, tỉnh triển khai hỗ trợ cho 9 nội dung khuyến công.

Với nội dung đào tạo nghề, truyền nghề, Ninh Bình dự kiến tổ chức dạy nghề cho khoảng 500 lao động mới, nâng cao tay nghề cho 300 lao động tại các cơ sở CNNT. Kinh phí triển khai nội dung là 3,6 tỷ đồng. Nội dung đào tạo được thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tỉnh hỗ trợ đào tạo nghệ nhân, thợ giỏi để hình thành đội ngũ giáo viên phục vụ chương trình đào tạo nghề; phối hợp với các trường dạy nghề triển khai đào tạo các ngành nghề có tính đặc thù, kỹ thuật chuyên sâu.

Ninh Bình cũng dành 44,9 tỷ đồng hỗ trợ triển khai nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia dự kiến hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 5 cơ sở sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường và 5 cơ sở mua sắm máy móc thiết bị. Nguồn kinh phí khuyến công địa phương dự kiến hỗ trợ 45 cơ sở CNNT nâng cao năng lực sản xuất.

Đặc biệt, giai đoạn này, Ninh Bình dành 1.038 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ: lập quy hoạch chi tiết cho 5 cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng 3 cụm công nghiệp, xây dựng 2 mô hình liên kết cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp với các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, dành một phần kinh phí hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở CNNT di dời vào cụm công nghiệp và nâng cấp sửa chữa hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

Để quảng bá, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, Ninh Bình dành nguồn lực đáng kể hỗ trợ cho các cơ sở tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài nước, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm cho 20 cơ sở CNNT…

Ngoài các nội dung trên, khuyến công Ninh Bình ưu tiên hỗ trợ sản phẩm có lợi thế như: phục vụ du lịch, sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động. Đặc biệt, ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ…

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, lồng ghép với các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp… nhằm thu hút thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công.

Ninh Bình rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để điều chỉnh bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của địa phương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát việc thực hiện các hoạt động khuyến công, tạo bước đột phá cho ngành CNNT phát triển.