Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 17:09 GMT+7

Tin hoạt động

Phú Thọ: Nâng cao công tác quản lý bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

23/10/2012

Tính đến ngày 31/12/2011 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 147 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp cho 147 mỏ chủ yếu: Caolanh-felspat, sắt, khoáng chất công nghiệp, đá xây dựng, đá sản xuất xi măng... với tổng mức đầu tư cho khai thác, chế biến đạt 1.906,59 tỷ đồng, tổng doanh thu nộp ngân sách địa phương đạt 762,621 tỷ đồng, ký quỹ phục hồi môi trường sau khai thác trong năm 2011 đối với 107/147 mỏ có báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường là 3.845.875 đồng.

Việc thực hiện bảo vệ môi trường ở các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản được chú trọng. Tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng những phương pháp, công nghệ xử lý chất thải hiện đại, giảm khói bụi gây độc hại trong khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản. Điều này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu gốm sứ cao cấp. Nhiều cơ sở đã xây dựng hồ chứa, bể lắng, bể lọc chất thải trong khai thác, chế biến theo tiêu chuẩn quy định.

Ông Hoàng Như Lô - Trưởng phòng Quản lý Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cho biết: “Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản đã chú trọng vào đầu tư công nghệ, khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản. Tuy nhiên, vấn đề tổn thất trong khai thác, chế biến vẫn diễn ra, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu quặng thô, chưa đi vào chế biến sâu, gây lãng phí nguồn tài nguyên, việc đầu tư còn dàn trải, thu ngân sách vẫn còn đạt thấp so với khả năng và sản lượng khai thác”.

Cũng theo ông Lô, tình hình trên nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống văn bản thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, cơ chế quản lý chưa rõ ràng, phân công trách nhiệm chồng chéo. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của địa phương còn nghèo nên chưa bố trí được nguồn ngân sách cho hoạt động thăm dò khoáng sản mà chủ yếu bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp tự thực hiện.

Còn theo ông Lưu Văn Doanh - Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ: “Không chỉ riêng khai thác khoáng sản, đối với các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội khác, trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường đã từng bước được nâng cao. Ngoài việc kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các địa bàn, doanh nghiệp thuộc Quyết định 64, Phú Thọ cũng đã từng bước thực hiện xã hội hóa trong đầu tư cho các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp, chế biến khai thác khoáng sản đã thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt ở các doanh nghiệp đã được quan tâm chú ý dưới nhiều hình thức. Công tác quan trắc, giám sát môi trường được tiến hành thường xuyên theo định kỳ tại các đơn vị doanh nghiệp theo quy định. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã tăng cường quản lý, chú ý đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị xử lý chất thải góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…”.

Nhờ đó, môi trường chung của tỉnh đã từng bước được cải thiện, đặc biệt là công tác quản lý bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Song để nâng cao hơn nữa công tác quản lý môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền để môi trường sống của cộng đồng dân cư được đảm bảo cũng như góp phần xây dựng Phú Thọ trở thành địa phương phát triển bền vững./.