Hiện nay, các cơ sở sản xuất thực phẩm, giết mổ gia súc…trên địa bàn TP. Hà Nội đang ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô. Vì vậy, việc áp dụng các giải pháp SXSH là biện pháp tối ưu nhằm giảm thiểu tổn thất nguyên vật liệu, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao công suất, chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thống kê của Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) cho thấy, SXSH sẽ giúp DN tiết kiệm tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng trung bình từ 10-50% và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với những giải pháp thông thường, đơn giản như thay đổi hệ thống chiếu sáng, thay đổi thói quen sử dụng nguyên liệu và năng lượng sao cho hợp lý và tiết kiệm hơn… điều các DN chế biến thực phẩm được khuyến khích thực hiện chính là đầu tư cho khu vực xử lý nước thải sao cho đạt chuẩn. Bởi lẽ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ gia súc của các DN chế biến thực phẩm đã và đang trở thành vấn đề “nóng” của toàn thủ đô, do vậy, xây dựng các khu xử lý nước thải đạt chuẩn không chỉ là giải pháp giúp bảo vệ môi trường xung quanh khu vực sản xuất của DN mà còn giúp tăng uy tín của DN, giúp sản phẩm của DN đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đầu tư một hệ thống xử lý nước thải cho một DN không phải là chuyện đơn giản. Chưa kể suất đầu tư cho các dự án này không nhỏ thì việc tìm kiếm một công nghệ hiện đại, tiên tiến cũng là rào cản với các DN, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, để hỗ trợ cho DN thực phẩm trên địa bàn Hà Nội thực hiện đầu tư khu vực xử lý nước thải, Sở Công Thương Hà Nội đã quyết định phê duyệt một số dự án đầu tư cho các DN thực phẩm như: Công ty CP Xuất khẩu thực phẩm – FOODEX, Công ty CP Sản xuất kinh doanh gia súc, gia cầm tại Cụm Công nghiệp thực phẩm Hapro, Công ty TNHH Minh Hiền… Sở Công Thương Hà Nội sẽ là chủ đầu tư cho các dự án này.
Theo đó, với mỗi dự án có quy mô khoảng 300 – 450m 3 /ngày đêm với tổng mức đầu tư từ 25,1 – 34,6 tỷ đồng/dự án, có thể thu gom và giải quyết lượng chất thải của khoảng vài trăm đến hàng nghìn con gia súc, gia cầm/ngày đêm, hệ thống xử lý chất thải của các DN này sẽ được xây dựng dưới hình thức một hệ thống xử lý chất thải đồng bộ (gồm hệ thống xử lý nước thải giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm; Hệ thống xử lý khí phát thải của phân xưởng và hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải rắn). Hệ thống này sẽ giúp thu gom và xử lý lượng chất thải phát sinh từ hoạt động nuôi nhốt, giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ thịt của các DN này.
Các bể chứa nước sẽ được làm bằng bê tông cốt thép, nửa chìm nửa nổi. Nhà điều hành, nhà đặt máy thổi khí và nhà đặt máy ép bùn được xây dựng mái bằng, đường nội bộ được lát bằng gạch block và cây xanh xung quanh hệ thống xử lý. Sau khi thu gom các loại chất thải, nước thải sẽ được xử lý theo 6 bước là: Xử lý sơ bộ; Xử lý tuyển nổi; Xử lý yếm khí; Xử lý sinh học bùn hoạt tính; Khử trùng nước thải; Xử lý bùn. Bên cạnh đó, lượng khí thải sẽ được xử lý bằng cách hút vào hệ thống đường ống thu gom dẫn về tháp xử lý, sau đó xử lý khí thải qua tháp hấp thụ (đã được bơm dung môi kiềm tuần hoàn). Riêng lượng chất thải rắn sẽ được xử lý bằng cách thu gom vào thùng chứa và xe gom rác, sau đó bán để tái chế thành phân vi sinh hoặc thuê Công ty môi trường tập kết, xử lý tại bãi rác thành phố. Nguồn vốn được sử dụng cho các công trình này sẽ được lấy từ Ngân sách thành phố với thời gian thực hiện vào năm 2012 – 2013. Sau khi hoàn thành, những dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả về kinh tế và môi trường cho không chỉ các DN này mà còn là tiền đề giúp các DN thực phẩm khác trên địa bàn thành phố tích cực thực hiện các giải pháp SXSH./.