Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 01:49 GMT+7

Tin hoạt động

Giảm chi phí từ sản xuất sạch hơn

23/07/2012

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp đang trở thành vấn đề bức thiết, không chỉ riêng DN mà đã trở thành vấn đề xã hội, mang tính toàn cầu. Tại Quảng Nam, hợp phần CPI (thuộc Chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch về môi trường, do Bộ Công Thương chủ trì) đã có những hỗ trợ thiết thực cho DN trong việc cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm thiểu các tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và làm suy kiệt nguồn tài nguyên. Trong số các DN thực hiện thành công mục tiêu trên phải kể đến Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Việt Quang, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Hải Vy, Xí nghiệp Mây tre lá Âu Cơ…

Công ty Hải Vy hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá ngừ. Thị trường DN hướng đến là Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường nội địa (các siêu thị Co.opMart, Metro, Big C). Từ năm 2010, được sự hỗ trợ từ hợp phần CPI, công ty đã đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn. Việc đầu tư, lắp đặt giàn sấy sử dụng năng lượng mặt trời đã đem lại cho công ty nguồn lợi nhuận lớn, thay vì áp dụng hệ thống sấy từ năng lượng củi đốt như trước. Về cấu tạo, tấm thu năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà xưởng, nhận ánh mặt trời và hấp thụ năng lượng. Buồng sấy không khí nhận nhiệt từ tấm thu năng lượng mặt trời và làm nóng không khí trong buồng sấy và được quạt hút đẩy vào hầm sấy. Theo tính toán, hiệu suất thu lượng mặt trời của máy sấy đạt 70% vào mùa hè và 55% vào mùa đông, lúc râm mát, trừ trời mưa. Trong quá trình sấy sản phẩm dùng tấm thu năng lượng mặt trời được bổ sung nhiệt từ hệ thống đốt củi phụ trợ 30% (vào mùa hè) và 45% (vào mùa đông).

Ông Nguyễn Văn Chung - Đội trưởng Đội sản xuất sạch hơn công ty cho biết, với điều kiện nguyên liệu ổn định, mỗi ngày công ty cho ra 400kg cá thành phẩm. Để phục vụ cho khâu sấy, công ty sử dụng 50 - 60m3 củi/tháng. Trong khi đó, sấy bằng năng lượng mặt trời, mức tiêu thụ nguyên liệu phụ trợ chỉ tốn khoảng 20m3 củi/tháng. “Nếu trước kia cả 2 lò sấy bằng củi phải phát huy hết công suất mới đáp ứng nhu cầu thì nay chỉ cần 1 lò sấy củi phụ trợ. Không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế do giảm chi phí nguyên liệu, giảm nhân công đốt lò, hệ thống sấy trên còn đem lại hiệu quả về mặt môi trường bởi lượng khói thải ra môi trường giảm còn 1/3 so với trước, lâu dài hơn là giảm nguy cơ phá rừng từ người dân” - ông Chung nói. Đặc biệt, được sự tư vấn từ hợp phần sản xuất sạch hơn, công ty còn đổi mới một số trang thiết bị, máy móc như hệ thống ống dẫn dây chuyền, đồng hồ, mô tơ điện… nên mức chi phí cho năng lượng phục vụ sản xuất đã giảm 60% so với trước.

Cũng theo ông Chung, nếu trước kia công ty phải ký hợp đồng với một công ty môi trường tại Đà Nẵng về dịch vụ hút nước thải, thì nay DN đã được trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung, giảm thiểu đáng kể nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện toàn bộ nước thải sản xuất dồn về đầu mối là hồ chứa nước thải thô, tại đây nước sẽ được bơm qua hệ thống xử lý vi sinh 1 và tiếp tục qua hệ thống xử lý vi sinh 2 (khuấy đảo nước), qua hệ thống lọc, hố bùn và bể chứa. Ở công đoạn này, nước đạt tiêu chuẩn 2 (loại B), có thể dùng rửa tay và tưới cây trong khuôn viên DN, dùng cho vệ sinh. Toàn bộ chi phí đầu tư 2 giải pháp trên khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của công ty là 50%, còn lại là phần hỗ trợ từ hợp phần sản xuất sach hơn.

Triêu Nhan