Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 17/11/2024 | 23:37 GMT+7

Tin hoạt động

Kết quả 6 năm của CPI và định hướng phổ biến SXSH trong thời gian tới

12/06/2012

Điểm lại các hoạt động của Hợp phần Sản xuất sạch hơn

Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) là một trong 06 Hợp phần thuộc Chương trình Hợp tác phát triển Việt Nam  - Đan Mạch về môi trường giai đoạn từ năm 2005 đến 2011. Hợp phần do Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì thực hiện với mục tiêu chủ yếu là đưa sản xuất sạch hơn (SXSH) vào các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả về kinh tế và môi trường của các doanh nghiệp, đồng thời, tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân sống xung quanh và làm việc trong các cơ sở sản xuất đó.

Các hoạt động của CPI được chia thành 3 mảng lớn, mỗi mảng nhằm thực hiện một mục tiêu cụ thể được đề ra trong văn kiện Hợp phần: 

  • Xây dựng cam kết và năng lực của các cơ quan liên quan đến phổ biến và thực hiện SXSH: trong đó bao gồm việc xây dựng một Chiến lược phổ biến SXSH cho các cơ sở sản xuất, xây dựng năng lực cho các đối tượng liên quan ở cấp Trung ương.
  • Xây dựng và tăng cường năng lực của các đơn vị SXSH tại các tỉnh mục tiêu Phú Thọ, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Nam và Bến Tre. đồng thời, lồng ghép SXSH hơn vào kế hoạch kiểm soát ô nhiễm của các tỉnh.
  • Xây dựng và trình diễn kỹ thuật SXSH thông quá các dự án trình diễn về SXSH tại các tỉnh mục tiêu và phổ biến thông tin về SXSH nhằm nhân rộng SXSH trên toàn quốc.

CPI được Bộ Công Thương giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Cơ cấu tổ chức thực hiện bao gồm một Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban và thành phần từ các Bộ ngành liên quan, một nhóm cán bộ của Vụ Khoa học và Công nghệ tham gia quản lý Hợp phần gồm 01 Giám đốc, 01 Điều phối và 04 chuyên viên, và một văn phòng hỗ trợ hợp phần gồm cố vấn quốc tế, kế toán, phiên dịch, thư ký, nhân viên truyền thông và lái xe.

Nhìn lại kết quả đạt được sau 6 năm

Đề xuất chính sách và xây dựng năng lực thúc đẩy SXSH

Một trong những kết quả nổi bật và quan trọng nhất của CPI sau 6 năm thực hiện chính là việc hỗ trợ các cơ quan quản lý của Việt Nam ở cấp Trung ương và địa phương trong việc đề xuất xây dựng chính sách và năng lực thúc đẩy SXSH. 

Ngay từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 2006, CPI đã thuê các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu đề xuất một Chiến lược Quốc gia nhằm phổ biến rộng rãi SXSH trong các ngành công nghiệp trên quy mô toàn quốc.

Bản đề xuất Chiến lược đã được chuyển giao Bộ Công Thương, làm cơ sở cho Bộ trình Chính phủ dự thảo Quyết định Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Kết quả là Chiến lược SXSH trong CN đến năm 2020 đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phê duyệt ngày 07 tháng 9 năm 2009 tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg.

Sau khi Chiến lược được phê duyệt, CPI đã được nhà tài trợ ủng hộ trong việc định hướng lại và mở rộng các hoạt động của mình nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược. Trong hai năm 2010 và 2011, từ việc chỉ hoạt động tại 05 tỉnh mục tiêu, CPI đã tổ chức hỗ trợ thúc đẩy SXSH tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Đến cuối năm 2011, theo tổng kết của Hợp phần, CPI đã hỗ trợ 50 tỉnh thành tổ chức hàng trăm hội thảo, khóa đào tạo về SXSH cho các cơ sở sản xuất; hỗ trợ trên 30 tỉnh, thành xây dựng kế hoạch hành động về SXSH và xây dựng đơn vị chức năng về SXSH tại các tỉnh, thành; tổ chức 03 khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng sản xuất sạch cho gần 100 chuyên gia trên cả nước và 03 khóa tập huấn giảng viên về SXSH cho toàn bộ 63 tỉnh thành.

Hỗ trợ trình diễn về SXSH tại các tỉnh mục tiêu

Trong thời gian thực hiện, CPI đã hỗ trợ tư vấn cho trên 61 cơ sở sản xuất tại 05 tỉnh thành thực hiện đánh giá SXSH nhằm tìm kiếm và thực hiện các giải pháp SXSH tại các cơ sở sản xuất của họ. Trong số 61 cơ sở, 45 cơ sở đã được lựa chọn hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư đối với các giải pháp SXSH cần đầu tư lớn. Danh sách các tỉnh mục tiêu và các ngành công nghiệp có trình diễn SXSH được trình bày trong bảng dưới đây.

Tỉnh mục tiêu
Ngành công nghiệp có dự án trình diễn 
Thái Nguyên
    Xi măng, tấm lợp, thép, kim loại màu, mạ điện, giấy, đúc
Phú Thọ
    Xi măng, khai thác và chế biến khoáng sản, mạ kẽm nhúng nóng, ắc quy, giầy, giấy, bia –     rượu – NGK, chè, lò mổ
Nghệ An
    Tấm lợp, thép, giấy, tinh bột sắn, mây tre lá, muối, đường
Quảng Nam
    Nilon tái chế, mây tre lá, sợi dệt, tinh dầu, tinh bột sắn, chế biến thức ăn gia súc, chế biến     thủy sản
Bến Tre
    Xơ dừa, thuốc lá, đường, kẹo dừa, thạch dừa, cơm dừa

Hiệu quả của các dự án trình diễn về kinh tế, môi trường và xã hội đã được tổng kết cho thấy, tất cả các các dự án đều đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường cho các doanh nghiệp.

Về kinh tế, một bức tranh về lợi ích tích lũy trong giai đoạn 2007 – 2011 của tất cả các giải pháp SXSH tại các dự án trình diễn cũng với mức chi phí bỏ ra được thể hiện trong hình dưới đây cho thấy lợi ích thu được sau khi bắt đầu thực hiện SXSH đã cao hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra.

  

Mức tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu sau khi thực hiện các dự án trình diễn được tổng hợp cho thất rất đáng kể: Trung bình các dự án dẫn đến tiết kiệm được khoảng 11 % tiêu hao nước, 12 %  tiêu hao điện, 21% tiêu hao than, và 14 % tiêu hao nhiên liệu, 23 % tiêu hao hóa chất.

Về lợi ích môi trường, từ việc tiết kiệm nước, năng lượng, hóa chất, mức phát thải nước thải, khí thải và các chất gây ô nhiễm đã giảm đi dẫn đến cải thiện chất lượng môi trường xung quanh các cơ sở trình diễn SXSH. Theo thống kê của đơn vị tư vấn độc lập về cải thiện chất lượng môi trường xung quanh 41/45 dự án trình diễn, 29% số cơ sở được đánh giá có môi trường xung quanh tốt hơn, 56% tốt hơn đáng kể và 15% tốt hơn hẳn so với trước khi thực hiện SXSH.

Về lợi ích xã hội, số liệu thống kê cho thấy sau khi thực hiện SXSH số lượng công nhân nghỉ ốm tại hầu hết các cơ sở trình diễn đã giảm đi đối với cả nam và nữ.

Phổ biến thông tin và nhân rộng thực hiện SXSH trên quy mô toàn quốc

Hoạt động phổ biến thông tin về SXSH của CPI đã được bắt đầu ngay từ khi Hợp phần bắt đầu thực hiện và được đặc biệt đẩy mạnh trong năm 2010 và 2011 sau khi Chiến lược SXSH trong công nghiệp ra đời và các dự án trình diễn bắt đầu vận hành.

Những hoạt động truyền thông nổi bật của CPI bao gồm: Xây dựng trang web về SXSH (www.sxsh.vn), tổ chức được tổng số 282 hội thảo, khóa đào tạo và tập huấn, xây dựng 52 bản tin chuyên đề về SXSH, hỗ trợ 475 bài báo ở cấp trung ương, 254 bài báo ở cấp địa phương về SXSH, xây dựng trên 60 bộ phim về dự án trình diễn và quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm về SXSH ở cấp trung ương, 45 ở cấp địa phương, 46 tờ rơi về các dự án trình diễn.
Ngoài các cơ sở sản xuất được hỗ trợ đánh giá sâu về SXSH trong năm 2010 và 2011, CPI đã hỗ trợ cho khoảng 250 cơ sở sản xuất tại 34 tỉnh thành đánh giá nhanh và xác định các cơ hội SXSH tại cơ sở sản xuất.

Định hướng hoạt động phổ biến SXSH hậu CPI

CPI dự kiến kết thúc toàn bộ hoạt động vào tháng 12 năm 2011. Tuy nhiên các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện SXSH của Bộ Công Thương và các tỉnh thành sẽ vẫn tiếp tục nhằm thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Các hoạt động được tập trung thực hiện bao gồm: nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện SXSH, xây dựng trang thông tin và cơ sở dữ liệu về SXSH, hỗ trợ kỹ thuật về SXSH, xây dựng mạng lưới tổ chức thực hiện SXSH và xây dựng cơ chế chính sách tài chính nhằm khuyến khích cho các hoạt động SXSH.

Nguyễn Thị Lâm Giang
Điều phối CPI, chuyên viên Vụ KHCN, Bộ Công Thương

 
Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 với mục tiêu “Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững”. Cụ thể đến năm 2015, phấn đấu có 50% cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích SXSH, 25% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, 70% Sở Công Thương có cán bộ đủ năng lực hướng dẫn SXSH; đến năm 2020, có 90% cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích SXSH, 50% cơ sở áp dụng SXSH, 90% các Sở Công Thương có cán bộ đủ năng lực hướng dẫn SXSH.