Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:16 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn: Hướng đi bền vững của ngành công nghiệp

18/06/2015

Từ năm 2013 trở về trước, Công ty CP Giấy Lam Sơn, đóng trên địa bàn xã Vạn Thắng (Nông Cống) thường xuyên bị nhân dân phản ánh sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do hệ thống công nghệ cũ với 5 nồi hơi lạc hậu, vừa phải sử dụng nhiên liệu đốt gây ô nhiễm không khí, lại không có hệ thống lọc khí trước khi thải ra môi trường. Trước tình hình đó, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống nồi hơi tầng sôi công nghệ Nhật Bản, tháng 3-2014, dây chuyền mới đã đi vào vận hành. Với nguyên lý hoạt động là tận dụng phế phẩm nông, lâm nghiệp như củi, mùn cưa, bã mía... làm nhiên liệu đốt và hệ thống lọc khí hiện đại không những giúp đơn vị tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất mà còn giảm tối đa ô nhiễm không khí, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Dự án trên đã được Tổ chức tín dụng xanh của Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) đánh giá đầu tư vào công nghệ mới đủ điều kiện theo hạn mức tín dụng xanh và sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường đã giúp đơn vị ổn định sản xuất, sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập của người lao động năm 2014 tăng lên 10% so với năm 2013.

Với Công ty liên doanh phân bón Hữu Nghị, công nghệ “xanh” mà đơn vị đang làm chủ là yếu tố quyết định giúp công ty giữ vững thương hiệu trên thương trường. Ngay từ khi thành lập năm 2008, đơn vị đã liên doanh với Nhật Bản đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hiện đại - công nghệ hóa lỏng urê và tạo hạt bằng hơi nước. Ông Lê Hùng Mạnh, giám đốc công ty, cho biết: Ưu điểm vượt trội của công nghệ này là sử dụng nhiệt độ, áp suất cao cho các nguyên liệu nóng chảy kết dính với nhau. Do đó không cần sử dụng các chất phụ gia vốn làm chai hóa, bạc màu và ô nhiễm đồng đất khi nông dân sử dụng. Công nghệ mới này cũng giúp hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón được nâng cao tới 40-60%, đáp ứng tối đa nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng.  Toàn bộ hệ thống dây chuyền được vận hành tuần hoàn, khép kín nên có thể tái sử dụng 90% nguồn chất thải, giảm phát thải ra không khí gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động. Với chất lượng ổn định, sản phẩm của công ty luôn đáp ứng được lợi thế cạnh tranh trên thương trường.

Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong công nghiệp. Ngày 7-9-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”. Quyết định này đã nêu ra những chỉ tiêu, lộ trình cụ thể và những dự án mà các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện để thúc đẩy các DN đầu tư, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và nguyên, nhiên vật liệu. Đồng thời, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.

Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã triển khai chiến lược trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu: Đến năm 2015, sẽ có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, 25% cơ sở sản xuất trong công nghiệp sẽ áp dụng sản xuất sạch. Đồng thời, các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch sẽ tiết kiệm được từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên, nhiên vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Đến nay, Sở Công Thương đã triển khai được Đề án “Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp”, trong đó đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn cho các nhóm ngành: Chế biến thủy hải sản, nông sản, thực phẩm; dệt may, giầy da; chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ; vật liệu xây dựng, khai khoáng... Thông qua các khóa tập huấn, các DN đã thấy rõ lợi ích của việc áp dụng công nghệ sản xuất sạch, như: Cải thiện hiệu quả sản xuất; sử dụng năng lượng, nguyên liệu có hiệu quả; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ chất thải rắn; tạo hình ảnh về một DN xanh... Tuy nhiên, do việc huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và Trung ương khó khăn, nên đề án mới chỉ dừng lại ở việc triển khai về mặt nhận thức, chưa có dự án cụ thể nào ở địa phương nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ.

Theo ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương, định hướng của ngành công nghiệp tỉnh ta là khuyến khích các dự án sản xuất sạch hơn trong công nghiệp theo tiêu chí “tăng trưởng xanh”. Để thúc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN cần nhận thức rõ hơn hiệu quả của sản xuất sạch hơn để chủ động trong việc nghiên cứu, áp dụng. Đó không đơn thuần là hành động “vì môi trường” mà còn là chiến lược đầu tư lâu dài, tất yếu cho sản xuất để mang lại sức cạnh tranh cho sản phẩm và hiệu quả bền vững.