Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 03:46 GMT+7

Tin hoạt động

Đà Nẵng chú trọng sản xuất sạch hơn

24/01/2011

Với vị thế là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng là nơi hội tụ các công ty lớn của các ngành dệt may, da giầy, nước giải khát, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp cơ khí, công nghiệp phần mềm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng... Đà Nẵng đã có chủ trương ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, vừa phục vụ mục tiêu “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, vừa góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút lao động chất lượng cao đến với thành phố. Trong bối cảnh Đà Nẵng đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ - công nghiệp, thì các dự án công nghiệp phải đảm bảo tiêu chí công nghiệp "sạch", không gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, năm 2008 chính quyền thành phố đã từ chối 2 dự án FDI sản xuất thép và giấy, với tổng vốn đăng ký lên đến 2,5 tỷ USD. Thành phố đang đề ra mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Việt Nam, trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Hiện nay, Đà Nẵng lựa chọn một số ngành như thuỷ sản, dệt may, da giày, cao su... là những lĩnh vực mũi nhọn để tập trung phát triển. Bên cạnh đó, thành phố còn chú tâm đến ngành CNTT (Công viên Phần mềm Đà Nẵng, Khu đô thị Công nghệ FPT Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao), ngành công nghệ sinh học (Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng - Danang Biotechnology Center - DanaBC) và phát triển ngành du lịch.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng cùng đại diện Dự án Quản lý nhà nước về Môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam (VPEG) ký kết chương trình trình diễn sản xuất sạch hơn, với mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Đà Nẵng bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sản xuất, nhân rộng kết quả trình diễn cho các cơ sở sản xuất thép.

Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết: Do tính chất cấp bách của vấn đề môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp và đô thị của Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng và vấn đề áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm của Dự án trong giai đoạn 3 (2009-2014). Sản xuất sạch hơn là quy trình mang tính bao quát mọi khâu của doanh nghiệp, đòi hỏi phải áp dụng liên tục các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên-nhiên liệu và giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo đó, dự án VPEG sẽ hỗ trợ các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai sạch xuất sạch hơn, mở các lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất sạch hơn cho cán bộ, công nhân của các đơn vị. Dự án hỗ trợ một số thiết bị đo lường, các trang thiết bị lấy mẫu, phân tích, các thiết bị thực hiện giải pháp đơn giản và kinh phí quan trắc để đánh giá hiệu quả của chương trình trình diễn sản xuất sạch hơn, đồng thời hỗ trợ nhân rộng chương trình cho các cơ sở sản xuất khác.

Để triển khai trình diễn áp dụng sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp đạt hiệu quả, Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng đã tiến hành điều tra, đánh giá hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp Hòa Khánh. Dựa trên kết điều tra và theo tiêu chí của dự án VPEG đề xuất, Sở TN&MT đã chọn Công ty cổ phần Nam Sơn, Nhà máy giấy Tân Long, Xí nghiệp chế biến gỗ Vinafor và Công ty cổ phần chế tạo kết cấu thép VNECO.SSM tham gia trình diễn sản xuất sạch hơn và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Công ty cổ phần chế tạo kết cấu thép VNECO.SSM tiền thân là một Công ty con trong tổ hợp Doanh nghiệp Công ty mẹ - Công ty con (Công ty xây lắp điện 3). Sau hơn sáu năm cổ phần hóa, Công ty đã từng bước lớn mạnh và đến nay, tổng vốn điều lệ của Công ty là 35.010.240.000 đồng và là Công ty thành viên trong Tổng Công Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam -VNECO. Là đơn vị thứ ba của Tổng Công ty có dây chuyền mạ kẽm nhúng nóng, được trang bị các máy công cụ điều khiển kỹ thuật số tự động và dây chuyền mạ kẽm nhúng nóng tiên tiến của Đức chế tạo vào năm đầu của thế kỷ 21, Công ty hiện đã có hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ISO:9001 - 2008. Tham gia vào chương trình sản xuất sạch hơn do Sở TN&MT Đà Nẵng chủ trì, Công ty hy vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Với lợi thế có bờ biển dài, ngành Thủy sản Đà Nẵng rất phát triển. Là một trong 3 mặt hàng chủ lực của Đà Nẵng, nhưng nhiều năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu thủy sản đông lạnh của Thành phố đi các thị trường thế giới tăng không nhiều, do những quy định ngặt nghèo về chất lượng, nguồn gốc... Với sự hỗ trợ của Dự án Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI), Bộ Công Thương chủ trì, thông qua lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến công thành phố tổ chức, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản tại Đà Nẵng đã được tham gia về áp dụng sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có tiềm năng giảm tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và năng lượng từ 10-50% nếu áp dụng sản xuất sạch hơn. Các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn có thể giảm các tổn thất, thất thoát nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt năng suất cao hơn với chất lượng sản phẩm ổn định hơn, lợi nhuận gia tăng, tính cạnh tranh được cải thiện.

Chỉ tính riêng trong Chương trình của CPI, năm 2007, CPI đã hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được gần 20 tỷ đồng mỗi năm thông qua việc tiết kiệm gần 130m3 nước, hơn 3 triệu kWh, hơn 1 ngàn tấn nguyên vật liệu và hơn 1 ngàn tấn than tiêu thụ hằng năm. Đồng thời, doanh nghiệp đã giảm thiểu nước thải, bụi than và bụi nguy hại, hóa chất ra môi trường, trong khi thời gian hoàn vốn chưa tới 1 năm. Việc sản xuất sạch được doanh nghiệp ý thức từ lâu vì nó đem lại nguồn lợi ở chỗ tạo được sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, đưa lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao...

Như đã nói trên, Đà Nẵng là một thành phố rất chú trọng đến môi trường, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp “xanh”. Tuy nhiên, chương trình sản xuất sạch hơn ở Việt Nam nói chung, ở Đà Nẵng nói riêng vẫn gặp rất nhiều rào cản như: thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở sản xuất với chiến lược sản xuất sạch hơn, thiếu các chuyên gia về sản xuất sạch hơn cho các ngành công nghiệp khác nhau, thiếu thông tin về công nghệ tốt nhất hiện có và công nghệ có tính hấp dẫn về mặt kinh tế, thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Đặc biệt thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý khuyến khích tiết kiệm, quyết định đầu tư chưa được đặt ra trên cơ sở tính toán chi phí tổng thể bao gồm cả các chi phí môi trường. Thêm nữa, sản xuất sạch hơn vẫn được xem như là một dự án chứ không phải là chiến lược thực hiện liên tục của một doanh nghiệp mặc dù Bộ Công Thương đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần một thái độ nghiêm túc nhìn nhận về sự cần thiết phải áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp, nhất là đối với những doanh nghiệp có tỷ lệ xuất khẩu cao.

Hoàng Quân