Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 16/11/2024 | 16:27 GMT+7

Tin hoạt động

Thái Bình: Bùi Kỳ Lân - người công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật

26/01/2015

Sinh ra và lớn lên tại thôn Trung Nghĩa, xã Đông Hoà (Thành phố Thái Bình), Bùi Kỳ Lân không chỉ là con ngoan, mà còn là học sinh chăm chỉ. Do hoàn cảnh gia đình, sau khi tốt nghiệp THPT Lân phải ở nhà giúp cha mẹ lao động tự do nuôi các em ăn học. Năm 1988, xí nghiệp cơ khí Bình Minh mở rộng quy mô sản xuất, Lân được tiếp nhận vào làm công nhân.

Ngày đầu, Lân vào Phân xưởng Sản xuất phụ tùng xe gắn máy. Với đức tính siêng năng, tỉ mỉ, Bùi Kỳ Lân không chỉ sớm làm quen và thành thạo việc điều khiển các cỗ máy đột, dập, pha, cắt; còn nắm khá chắc quy trình sản xuất, phát hiện những bất hợp lý nếu như chỉ cần cải tiến một chút có thể tiết kiệm được thời gian, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được nguyên liệu. Với những ý kiến đóng góp của Bùi Kỳ Lân, phân xưởng sản xuất phụ tùng xe máy luôn đạt năng suất cao nhất, góp phần cùng XN khẳng định chỗ đứng của mình với Nhà máy Sản xuất xe máy Honda Việt Nam (tại thời điểm 1988 cả nước có hàng chục đơn vị sản xuất phụ tùng xe máy muốn làm ăn với Nhà máy Honda). Đóng góp của Bùi Kỳ Lân đã được Ban Giám đốc cơ khí Bình Minh ghi nhận. Trong cơ chế cạnh tranh thị trường, các cơ sở sản xuất rất cần cán bộ có năng lực điều hành sản xuất. Tháng 10-1997, Bùi Kỳ Lân đã được chọn, bổ nhiệm làm Quản đốc phân xưởng SX phụ tùng xe gắn máy. Từ kiến thức học được ngay tại nơi SX, Bùi Kỳ Lân còn là “tay mạ crôm kỳ khôi”. Vì vậy anh còn trực tiếp phụ trách Dây chuyền Mạ của xí nghiệp.

Tuy là một cán bộ quản lý phân xưởng, nhưng Lân vẫn giữ được bản chất “miệng nói, tay làm”. Đối với anh chị em công nhân mới, Bùi Kỳ Lân có sự đồng cảm sâu sắc, anh thường nghĩ “Cũng như mình ngày đầu vào XN” nên anh dành thời gian “Cầm tay chỉ việc” giúp anh em công nhân nâng cao tay nghề. Chính trong lúc trực tiếp với công nhân mà Bùi Kỳ Lân đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại “vinh quang” cho bản thân, cho XN và cho phân xưởng. Trước đây XNSX chân chống đứng xe máy bằng máy cắt đá, vừa chậm, năng suất không cao. công nhân cắt gặp nhiều rủi ro, nếu như bảo hộ không tốt. Bùi Kỳ Lân đã mạnh dạn làm thử trên máy đột dập, tự mình sắp xếp thành quy trình. Sáng kiến này đã giúp cho XN nâng năng suất lên 180% so với cách làm cũ, còn tạo ra sự an toàn trong sản xuất. Sau thành công thay cách SX chân chống đứng 2 năm - năm 2003-2004, Bùi Kỳ Lân lại tiếp tục thành công việc “thay bể rửa một lần bằng bể rửa 3 lần ngược chiều trong dây chuyền mạ vừa tiết kiệm nước, vừa thu hồi dư liệu hoá chất, không chỉ làm giảm chi phí sản xuất, còn xử lý nước, trước khi đưa ra ngoài, không gây ô nhiễm”. Năm 2005, Bùi Kỳ Lân đồng chủ đề tài khoa học với phó Giám đốc Đỗ Thị Ngọ “nghiên cứu công nghệ thụ động lớp mạ kẽm bằng hoá chất không độc Crôm + 3, thay thế hoá chất độc hại Crôm +6 để giảm thiểu độc hại môi trường”. Đề tài này đã đoạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thái Bình lần thứ II-2007.

Năm 2003 Bùi Kỳ Lân được bầu làm Phó chủ tịch công đoàn XN. Anh đã đóng góp nhiều thành tích, như đề xuất với chính quyền các giải pháp đảm bảo công ăn việc làm cho CN (bình quân thu nhập đạt 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng). Đề nghị tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm cho người lao động, cùng Ban chấp hành CĐ liên tục phát động các phong trào thi đua, chống tệ nạn XH ngay từ các phân xưởng, bộ phận. Kết hợp với các đoàn thể khác duy trì tốt các phong trào thể thao, văn hoá, văn nghệ... với sự đóng góp này, nên CĐ Xí nghiệp cơ khí Bình Minh liên tục được liên đoàn LĐ Thành phố công nhận là công đoàn cơ sở tiên tiến, xuất sắc.

Ngày nghỉ ở XN về với gia đình, Bùi Kỳ Lân còn là công dân gương mẫu của địa phương, được chính quyền và nhân dân yêu quý. Anh tham gia làm sinh vật cảnh tại gia đình mỗi năm cho thu hoạch 20-25 triệu đồng. Anh có 2 con đều học giỏi và chăm ngoan (một cháu học cao đẳng, một cháu học lớp 11 THPT). Với kết quả lao động, học tập và công tác, tu dưỡng rèn luyện, Bùi Kỳ Lân đã được kết nạp vào Đảng CSVN (25-11-1996). Anh được Tổng LĐLĐVN tặng bằng Lao động sáng tạo; năm 2008 được tặng “giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh”; được liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh tặng giải 3 về đề tài mạ không độc; được Liên đoàn lao động tỉnh tặng bằng khen (2006, 2008) và nhiều giấy khen của LĐLĐ Thành phố, của Sở Công Thương.