Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 06:05 GMT+7

Tin hoạt động

Bắc Giang: Một mô hình mang nhiều lợi ích trên địa bàn tỉnh

13/01/2015

Mô hình 41,711 tỷ đồng


Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Giang cho biết: Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần Cleve nằm trong kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2014 của tỉnh. Mô hình có tổng vốn đầu tư 41,711 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 233 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Mô hình được bắt đầu triển khai từ tháng 1/2013 và hoàn thành vào tháng 12/2014. Mô hình có tổng công suất 200 triệu viên gạch/năm, đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Theo đó, gạch không nung được sản xuất từ hỗn hợp nguyên liệu mạt đá, xi măng, tro bay, xỉ than và các chất phụ gia khác. Gồm 6 công đoạn chính: Cấp nguyên liệu, công đoạn này nguyên liệu được cấp phối theo một tỷ lệ nhất định; Trộn nguyên liệu; Tạo hình, nhờ hệ thống thủy lực, máy hoạt động theo cơ chế ép kết hợp với rung tạo ra lực ép rất lớn để hình thức các viên gạch đồng đều, chất lượng ổn định, sau khi ép xong có độ ẩm từ 12-15%.


Theo ông Nguyễn Văn Dinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cleve: Nhược điểm cố hữu của gạch không nung là độ thấm nước cao. Để khắc phục điều này trong quá trình sản xuất doanh nghiệp đã nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ ximăng trong quá trình cấp phối phù hợp (từ 7% lên 10%). Sản phẩm tạo ra đảm chất lượng cao, cường độ chịu nén, độ cứng và khả năng chống xuyên nước tốt.


Nhiều lợi ích


Ông Nguyễn Văn Dinh cũng cho biết: Sau khi mô hình hoạt động ổn định, năm thứ 1 sẽ đạt 60% công suất; Năm thứ 2 đạt 80% và năm thứ 3 sẽ đạt 100% công suất. Doanh thu bán hàng của doanh nghiệp sau khi mô hình đạt 100% công suất sẽ đạt khoảng 614.584 triệu đồng/năm. Thời gian thu hồi vốn đầu tư là gần 4 năm.


Theo tính toán của doanh nghiệp lợi ích kinh tế mô hình mang lại cho doanh nghiệp rất rõ ràng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Mô hình còn mang lại những lợi ích xã hội sâu sắc, khi tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.


Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng: Tại xã Tân Giang đời sống kinh tế của người dân không cao, giá trị sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp thấp. Vì vậy, việc xây dựng nhà máy tại khu vực này mang lại thu nhập cho nhiều đối tượng lao động tham gia trực tiếp cũng như gián tiếp phục vụ cho hoạt động của nhà máy. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của xã, huyện từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp.


Thực tế, sau khi đi vào hoạt động, mô hình đã tạo ra 185 chỗ làm việc thường xuyên trong nhà máy, với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/ tháng. Người lao động còn được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và một số chế độ khác theo quy định của Luật Lao động.


Đặc biệt, gạch không nung sử dụng phế thải công nghiệp như mạt đá, tro bay, xỉ than để sản xuất đã góp phần giảm đáng kể lượng chất thải rắn ra môi trường. Dự án đi vào hoạt động sẽ tận dụng tiêu thụ một khối lượng lớn tro bay của Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Dự án cũng góp phần thực hiện chủ trương từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than - nguồn tài nguyên không tái tạo qua đó giảm lượng khí thải CO2, bảo vệ môi trường.


Bởi những ưu điểm vượt trội về kinh tế, môi trường và xã hội, mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung có triển vọng nhân rộng rất lớn. Mở ra triển vọng kinh tế mới cho ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh Bắc Giang.


Ông Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, có 3 loại vật liệu xây không nung là: Gạch xi măng - cốt liệu; gạch nhẹ và loại gạch khác như đá chẻ, gạch đá ong…. Trong đó, đến năm 2020 gạch xi măng - cốt liệu chiếm đến 75%, trong tổng số lượng vật liệu xây dựng không nung. Sau hơn 4 năm thực hiện, tổng công suất sản xuất gạch xi măng - cốt liệu đạt 25%. Sản phẩm đã bắt đầu được chấp nhận trên thị trường.


Việt Nga