Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều
khó khăn, được sự quan tâm của UBND tỉnh nên hàng năm, kinh phí dành
cho các hoạt động khuyến công của Nghệ An đều được bố trí ổn định và
tăng đều. Cụ thể: Giai đoạn 2002 - 2005 là 2 tỷ đồng/năm; giai đoạn
2007 - 2014 là 4 tỷ đồng/năm. Với sự hỗ trợ này đã góp phần nâng giá
trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 18,32%/năm, ngành nghề
nông thôn phát triển mạnh, nhất là các nghề mây tre đan xuất khẩu, đồ
gỗ, chế biến hải sản, dệt thổ cẩm...
Nghệ An đến nay đã có 126 làng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề;
trong đó có 42 làng nghề mây tre đan xuất khẩu; 23 làng nghề chế biến
lương thực, thực phẩm; 10 làng nghề chiếu cói, chổi đót, giấy dó, 27
làng nghề đóng tàu thuyền, mộc dân dụng, mỹ nghệ, chẻ chu hương, hương
trầm; 10 làng nghề chế biến hải sản; 7 làng nghề ươm tơ, móc sợi; 2
làng nghề sản xuất gạch ngói, cơ khí và 5 làng nghề cây cảnh... Ngoài
ra, toàn tỉnh có 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Một số
sản phẩm như: Nước mắm Vạn Phần, tương Nam Đàn, ngói Cừa, hương trầm
Quỳ Châu… đã có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Từ một tỉnh chủ yếu là
nông nghiệp, Nghệ An đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch
vụ. Điều này khẳng định hoạt động khuyến công là một chủ trương, một
hướng đi phù hợp để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây
dựng làng nghề.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến công Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh quyết
định hỗ trợ 51 đề án, với tổng kinh phí 3.342,7 triệu đồng, từ nguồn
Quỹ Khuyến công địa phương. Trong đó tập trung chủ yếu cho nội dung: Hỗ
trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ
mua sắm thiết bị, công cụ sản xuất phục vụ phát triển làng nghề, làng
có nghề ở địa bàn khó khăn, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp kém phát
triển;… Nội dung hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước
cho các cơ sở CNNT năm nay có chuyển biến tích cực, đã phê duyệt đề án
hỗ trợ kinh phí 92,7 triệu đồng cho Công ty TNHH Đức Phong đại diện
ngành hàng mây tre đan tham gia Hội chợ Quốc tế Ambiente tại Cộng hòa
Liên bang Đức.
Ngoài kinh phí khuyến công địa phương được tỉnh hỗ trợ, hàng năm Trung
tâm Khuyến công đều lập kế hoạch đề nghị hỗ trợ kinh phí khuyến công
quốc gia. Năm 2013, hai doanh nghiệp may của Nghệ An với 500 lao động
đã được hưởng lợi từ chương trình khuyến công quốc gia đó là: Công ty
CP may Minh Anh – Kim Liên (Khu công nghiệp Bắc Vinh) và Công ty TNHH
Tuấn Phương (xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu). Theo nhận xét của các
doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo lao động may, phần lớn các lao động
may sau khi tham gia chương trình đào tạo nghề từ nguồn kinh phí khuyến
công quốc gia của Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương đều phát
huy tay nghề góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm cho doanh
nghiệp. Đây là những kết quả rất quan trọng, tạo tiền đề để tiếp tục
đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong những năm tới.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến công cũng đã ký hợp đồng với Cục Công nghiệp
địa phương để đào tạo 300 lao động nghề may cho các doanh nghiệp may
trên địa bàn tỉnh với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 585
triệu đồng.
Bên cạnh những thành công bước đầu, hoạt động khuyến công trên địa bàn
tỉnh hiện còn gặp không ít khó khăn, như: Kinh phí dành cho hoạt động
khuyến công còn dựa vào ngân sách tỉnh và nguồn kinh phí khuyến công
quốc gia mà chưa động viên, huy động được nhiều nguồn lực khác. Trong
khi đó, hệ thống cán bộ theo dõi hoạt động khuyến công ở cấp huyện
không ổn định, hồ sơ thủ tục khuyến công vẫn còn phức tạp. Chưa xây
dựng được các dự án khuyến công có tầm ảnh hưởng lớn,… Một số đề án
khuyến công chưa tập trung hỗ trợ rõ nét, có hiệu quả vào những ngành,
nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa
phương. Khó khăn lớn nhất hiện nay của hoạt động khuyến công là ở cấp
huyện là chưa có cán bộ chuyên trách nên việc lựa chọn, xây dựng kế
hoạch hỗ trợ còn hạn chế và chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương.
Từ đây, chất lượng xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công chưa cao.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, Trung
tâm Khuyến công Nghệ An tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tư
vấn trực tiếp tại các cơ sở CNNT có nhu cầu, đảm bảo hoàn thành các đề
án đúng tiến độ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết giữa các địa
phương, các doanh nghiệp phân phối để tìm đầu ra cho các sản phẩm CNNT;
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài để tuyên truyền các chính
sách khuyến công đến với các cơ sở CNNT trên địa bàn. Các doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất CNNT cũng phải chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị
trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng, kiến thức quản lý, mạnh dạn
đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao
hơn nữa chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, góp phần vào việc
phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh./.