Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 11:21 GMT+7

Tin hoạt động

Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Hướng đến sản xuất xanh

18/09/2014

Để hướng tới sản xuất xanh, sử dụng ít nguyên liệu hơn trong sản xuất chính là một trong những giải pháp hữu ích. Vì vậy, việc thực hành tiết kiệm và đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ nhằm thay thế vật tư nhập khẩu, sản xuất sản phẩm kích thước nhỏ hơn, sử dụng ít nguyên liệu hơn, hiệu suất cao hơn luôn là một trong những giải pháp được Rạng Đông đặt lên hàng đầu. Do vậy, bằng việc hợp tác với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để nâng cao chất lượng ống phóng điện áp suất thấp, hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội để nghiên cứu chất phủ làm tăng độ bền cơ học của thủy tinh, Rạng Đông đã sản xuất thành công bóng đèn huỳnh quang T8 có đường kính chỉ 25,5 mm thay thế cho bóng đèn huỳnh quang T10 có đường kính 32 mm, giúp tiết kiệm tới 34% nguyên liệu thủy tinh, giảm chi phí tới 33% giá thành. Bên cạnh đó, Rạng Đông cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công công nghệ thu nhỏ bóng đèn compact công suất cao từ 16,5 mm xuống còn 14 mm, giúp giảm tới 20% nguyên liệu thủy tinh, bột; Sản xuất các bóng đèn T3 có đường kính chỉ còn 9 mm thay thế cho loại T4 đường kính 11,3 mm, giảm lượng thủy tinh, giảm lượng sử dụng bột, thủy ngân, từ đó góp phần giảm chất thải. Hơn nữa, toàn bộ các sản phẩm bóng đèn compact và đèn huỳnh quang của Rạng Đông đều được sản xuất trên dây chuyền với công nghệ đồng bộ, sử dụng toàn bộ ống thủy tinh không chì, vừa có khả năng ngăn tia tử ngoại, không độc hại, vừa tăng hiệu suất phát quang với chỉ số hoàn màu cao. Thêm vào đó, bóng đèn compact của Rạng Đông còn sử dụng viên thủy ngân thay thế thủy ngân lỏng giúp kiểm soát tốt chất lượng và hàm lượng thủy ngân, tăng tính ổn định và đặc biệt rất thân thiện với môi trường sau khi thải ra môi trường.

Cùng với việc giảm bớt việc tiêu hao nguyên liệu, chủ động thay thế các nguyên liệu truyền thống bằng nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường cũng là giải pháp được Rạng Đông chú trọng. Cụ thể, trong sản xuất bóng đèn, thủy tinh đóng vai trò vô cùng quan trọng, chiếm giá trị cao và có ảnh hưởng đến chất lượng của bóng đèn. Do đó, năm 2007, Rạng Đông quyết định đầu tư lò nấu thủy tinh Sodalime với công suất 30 tấn/ngày và tiếp tục cải tiến vào năm 2011 thành lò thủy tinh trợ đốt bằng điện hiện đại đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Việc đưa điện cực vào trong lòng khối thủy tinh bên trong lò nấu giúp nâng hiệu suất hấp thụ nhiệt lên tới 90% so với 25% nếu đốt bằng dầu như trước đây. Với công nghệ này, công suất nấu của lò nấu thủy tinh đã được nâng cấp lên 36 tấn/ngày, giảm tiêu hao nhiên liệu từ 250 kg dầu FO xuống còn 145 kg dầu FO/tấn thủy tinh, lượng điện sử dụng cho nấu thủy tinh đã đạt được mức thấp hơn mức tiên tiến của thế giới là 600kWh/tấn thủy tinh, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm khí thải và chi phí sản xuất thủy tinh. Công trình này của Rạng Đông cũng đã được vinh dự tham gia Cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư KYOTO về giảm phát thải khí nhà kính.


Bên cạnh lò Sodalime, năm 2008, Rạng Đông còn đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì với công suất 19 tấn/ngày với mục tiêu tạo ra vật liệu thủy tinh không chì dùng trong sản xuất bóng đèn compact chất lượng cao và sản xuất loa trụ thay thế các loại thủy tinh chì độc hại. Trong thành phần thủy tinh mới này không có chì và phản ứng thủy ngân với kiềm gây đen trong quá trình làm việc bị hạn chế, vì thế mà hiệu suất phát quang được cải thiện tốt. Không chỉ vậy, loại thủy tinh không chì này còn chứa các nguyên tố đất hiếm như cerium, có tác dụng ngăn chặn các tia tử ngoại giúp an toàn cho người sử dụng. Sản phẩm sau khi sử dụng thải ra môi trường cũng thân thiện hơn loại sản phẩm có chì cùng loại.


Nhận thức rõ khoa học kỹ thuật là nhân tố tiên phong, cơ sở, nền tảng cho sự phát triển bền vững của công ty, Rạng Đông đã có chiến lược đầu tư dài hạn cho phát triển KHCN, nâng cao trình độ, kiến thức của đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Từ nhiều năm qua, công ty đã hợp tác với hàng loạt các tổ chức hàng đầu Việt Nam về KHCN để nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Sự thành công của những dự án hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ đã phát huy tính tích cực trong việc đưa nghiên cứu khoa học vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty. Cụ thể, năm 2009, các chuyên gia của phòng thí nghiệm chung của Rạng Đông đã phát triển công nghệ, tách và thu hồi tái sử dụng bột huỳnh quang 3 phổ đất hiếm ra khỏi thủy tinh ở đèn bị hỏng, thu hồi ống thủy tinh đưa lại sản xuất. Chỉ tính riêng công trình này hàng năm đã tiết kiệm cho công ty hàng chục tỉ đồng, góp phần bảo vệ môi trường. Việc chủ động được về công nghệ đã giúp Rạng Đông nói riêng và các nhà sản xuất trong nước nói chung chiếm ưu thế nhất định trong lĩnh vực này và giá thành sản phẩm cũng nhờ đó mà giảm đi đáng kể. Riêng đối với sản phẩm keo gắn bầu đèn, nếu trước kia Rạng Đông phải nhập khẩu 100% của Trung Quốc thì nay, với việc hợp tác nghiên cứu, công ty đã chủ động hoàn toàn trong việc sản xuất vật liệu này. Với 90% nguồn nguyên liệu vô tận từ đá núi Trường Sơn, quy mô sản xuất từ 20-25 tấn/tháng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sản xuất với giá chỉ bằng 30-40% giá nhập khẩu.


Như vậy, không những là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sản xuất các sản phẩm nguồn sáng tiết kiệm điện, bằng những giải pháp thay đổi công nghệ tích cực, Rạng Đông đã và đang hướng việc sản xuất của mình ngày càng sạch hơn, xanh hơn, từ đó giảm chi phí sản xuất và thân thiện với môi trường. Thực tế, những thành quả mà Rạng Đông thu được cho thấy rõ ràng rằng, sản xuất sạch hơn mang lại những hiệu quả kinh tế rõ ràng, đặc biệt là cho chính nhà sản xuất./.

Bảo Ngọc