Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:45 GMT+7

Tin hoạt động

Tổng công ty Giấy Việt Nam: Nhiều giải pháp cho sản xuất sạch hơn

17/09/2014

Ngành giấy là một trong những ngành sản xuất có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng nhiều hóa chất tẩy để làm trắng (chất thải nếu không được xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường). Do đó, những năm qua, Vinapaco đã triển khai nhiều giải pháp SXSH để hạn chế chất thải ra môi trường.

Giai đoạn 2003-2010, Vinapaco đã triển khai hàng loại các giải pháp cải tạo và hoàn thiện hệ thống sản xuất. Cụ thể, với khâu gây ảnh hưởng lớn đến môi trường là tẩy trắng, Vinapaco đã cải tạo công nghệ tẩy trắng bằng cách bổ sung thêm giai đoạn tách loại lignin bằng ôxy để làm trắng bột giấy. Giải pháp này đã làm giảm 60% lượng Clo phải sử dụng để làm trắng, từ đó giúp tiết kiệm 149 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinapaco còn chuyển đổi công nghệ điện phân màng ngăn amiang sang màng trao đổi ion ở nhà máy hóa chất, từ đó làm tăng chất lượng các sản phẩm hóa chất sản xuất ra, hạn chế rò rỉ hóa chất ra môi trường, đồng thời loại bỏ chất độc amiang ra khỏi dây chuyền. Ngoài ra, để tiết kiệm nước, Vinapaco còn thực hiện tuần hoàn tái sử dụng nước rửa ngược từ bộ phận xử lý nước thô (khoảng 2.000m2/ngày) cho sản xuất… Những thay đổi hoàn thiện này đã giúp Vinapaco giảm phát thải, kiểm soát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, đặc biệt tại các phân xưởng sản xuất bột giấy và giấy.


Khi thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn I nhằm tăng năng lực sản xuất bột giấy lên 73.000 tấn/năm và năng lực sản xuất giấy lên 100.000 tấn/năm, Vinapaco đã dành một khoản đầu tư thích đáng cho SXSH. Cụ thể, với 1.107 tỷ đồng cho toàn bộ dự án, công ty đã dành hơn 200 tỷ để đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, bụi thải và chất thải rắn. Sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống xử lý nước thải vi sinh với công suất thiết kế 30.000 m3/ngày đêm này đã giúp thu gom toàn bộ nước thải sản xuất, nước thải vệ sinh, sinh hoạt của các CBCNV trong Tổng công ty cũng như nước thải của các công ty xung quanh (mà Tổng công ty có hợp đồng nhận xử lý) bằng hệ thống cống ngầm và đưa về khu xử lý nước thải tập trung. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý cho thấy, nước thải đã đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý khí thải của Vinapaco cũng giúp xử lý 96% lượng bụi của toàn bộ hệ thống và giảm được đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường. Hệ thống xử lý chất thải rắn cũng giúp thu hồi nhiều chất thải rắn như vỏ cây, mùn cưa, xỉ than, bùn… để bán làm nguyên liệu.


Ngoài ra, để đẩy mạnh tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất, Vinapaco đã tuyên truyền và phát động tất cả CBCNV sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu. Việc duy trì SXSH, hợp lý hóa các khâu trong quy trình sản xuất, đẩy mạnh các biện pháp quản lý nội vi tại các phân xưởng… đã giúp Vinapaco giảm thải ngay tại nguồn.


Để tiếp tục đẩy mạnh SXSH, nhóm kỹ sư thuộc Vinapaco đang thực hiện đề tài “Đánh giá công nghệ và hiệu quả của quá trình sản xuất giấy độ trắng thấp và giấy độ trắng cao”. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2013, Vinapaco đã tiến hành thử nghiệm sản xuất và đưa ra thị trường trên 2.200 tấn giấy có độ trắng thấp (76% ISO). Thực tế cho thấy, trong cùng một công nghệ tẩy trắng, bột giấy độ trắng thấp cho chất lượng và độ bền cao hơn so với bột giấy độ trắng cao. Hiệu suất thu hồi bột sau tẩy đối với bột giấy độ trắng thấp cũng cao hơn từ 1,2% - 2,04%, góp phần nâng cao sản lượng bột giấy của nhà máy. Ngoài ra, giấy độ trắng thấp không sử dụng phẩm tím và xanh, không sử dụng chất tăng trắng huỳnh quang nên ít ảnh hưởng thị lực người tiêu dùng. Tỷ lệ bột ngoại chỉ chiếm 15,8% so với tổng bột nên chi phí cũng giảm nhiều. Do đó, giấy có độ trắng thấp sẽ được Vinapaco tiếp tục nghiên cứu, sản xuất để đưa ra thị trường trong thời gian tới./.