Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:26 GMT+7

Tin hoạt động

RoHS - bài toán khó với doanh nghiệp vừa và nhỏ

29/07/2010


Xuất khẩu triển vọng “sáng”

Bất chấp khủng hoảng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính của Việt Nam vẫn tăng trưởng và được coi là một trong những mặt hàng tạo kim ngạch xuất khẩu lớn trong 5 năm tới. Năm 2004, Việt Nam xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính mới đạt khoảng 1,077 tỷ USD, đến năm 2009, con số này đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt 2,774 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2008. Sáu tháng đầu năm 2010, mặt hàng điện tử, máy tính của Việt Nam xuất khẩu ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ 2009. Hàng điện tử của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, bên cạnh Trung Quốc, Hồng Kông..., trong thời gian tới, EU sẽ là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm điện/điện tử của Việt Nam xâm nhập, đặc biệt là thị trường Đức và các nước thành viên mới của EU như Hungary, Ba Lan, Séc, Slovakia...

Rào cản phức tạp

Tuy nhiên, tại Hội thảo phổ biến về REACH (đăng ký, đánh giá, cấp phép sử dụng hoá chất) và RoHS cho các DN xuất khẩu hàng hoá vào EU, do Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện, tiến sĩ Nguyễn Xuân Sinh (Cục Hoá chất) cho rằng: “Muốn có chỗ đứng và chiếm lĩnh được thị phần ở EU, các nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm điện/điện tử Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ RoHS. REACH và RoHS là rào cản kỹ thuật hết sức phức tạp đối với các sản phẩm hàng hoá nói chung và hàng điện tử nói riêng nhập khẩu vào EU. 6 loại hoá chất RoHS cấm sử dụng/loại bỏ trong các sản phẩm điện/điện tử là: Cadmium (Cd), thuỷ ngân (Hg), Chromium hoá trị 6, hợp chất của Brom như PBBs, PBDEs và Pb (chì). Quy định RoHS của EU nhằm bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người”.

Theo ông Sinh, tất cả các thiết bị như máy tính xách tay, thiết bị công nghệ thông tin (IT), điện thoại di động, thiết bị nghe nhìn và đồ dùng gia đình, thiết bị văn phòng, dụng cụ điện và điện tử, đồ chơi, thiết bị thể thao và giải trí, máy bào chế tự động, bóng đèn... nhập khẩu vào EU đều chịu sự điều chỉnh của RoHS. Phạm vi áp dụng của RoHS không chỉ trong toàn bộ khối EU mà còn cộng thêm các nước Na Uy, Thuỵ Sỹ, Litchetein. RoHS có tác động đến tất cả các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử, nhà nhập khẩu của EU, nhà xuất khẩu cũng như người sử dụng nhãn hiệu thiết bị của người khác để sản xuất ra sản phẩm. Không chỉ EU, Mỹ và Nhật Bản (những thị trường có kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính đáng kể của Việt Nam) cũng đã có những quy định tương tự như RoHS.

Trung tâm RoHS là cần thiết

Vấn đề đặt ra cho các nhà sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện/điện tử Việt Nam sang EU là làm thế nào để tuân thủ RoHS, trong khi năng lực thử nghiệm của các phòng thí nghiệm ở Việt Nam còn yếu, chưa đủ điều kiện để kiểm tra các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của RoHS. Hơn nữa, xét về góc độ công nghệ, việc sử dụng các chất thay thế nhằm hạn chế các chất độc hại trong sản phẩm điện tử theo RoHS sẽ làm gia tăng giá thành sản xuất. Các DN lớn có tiềm lực tài chính mạnh có thể đáp ứng yêu cầu của RoHS dễ dàng, song với các DN vừa và nhỏ thì đây là bài toán không đơn giản.

Để hỗ trợ các DN sản xuất và xuất khẩu thành công các mặt hàng chịu sự điều chỉnh của RoHS vào thị trường EU, ở cấp độ Nhà nước, ông Sinh cho rằng, cần xây dựng và ban hành quy định pháp lý về hạn chế sử dụng các chất cấm như của RoHS; xây dựng và thực hiện hệ thống chứng nhận nhãn hàng sinh thái; trợ giúp tài chính cho DN chuyển đổi công nghệ, đầu tư nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp thay thế vật liệu sản xuất, trong đó có các hoá chất độc hại; thiết lập các tiêu chuẩn quản lý, vận hành... để kiểm soát các hoá chất độc hại theo RoHS; đầu tư phòng thí nghiệm đủ điều kiện để thử nghiệm, kiểm tra.

Đặc biệt, cần xây dựng Trung tâm REACH/RoHS đặt tại Cục Hoá chất Việt Nam làm đầu mối tiếp nhận các thông tin về RoHS và xây dựng các văn bản pháp lý liên quan đến RoHS; đào tạo, tập huấn cho DN nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các quy định về RoHS; tiếp nhận các giải pháp trợ giúp kỹ thuật liên quan đến việc tuân thủ RoHS và phổ biến cho các DN./.

Lan Ngọc (VEN)