Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:14 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp đầu mối cam kết tiêu thụ xăng dầu Dung Quất

07/10/2010

Việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động đã “chạy” hết 100% công suất là một thành công lớn. Tuy nhiên, lượng xăng dầu sản xuất ra vượt ngoài dự kiến đã khiến nhà máy lúng túng trong tiêu thụ cũng như tồn chứa.

Theo ông Nguyễn Sinh Khang- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN): Hiện nay lượng tồn kho xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất tới 180.000 m3 (chiếm trên 50% tổng sức chứa của nhà máy). Nguyên nhân vì công suất sản xuất đã vượt dự kiến ban đầu. Từ 5/2010, nhà máy Dung Quất đã hoạt động hết 100% công suất (trước đó chạy khoảng trên 50% công suất). Đây là một nỗ lực lớn của nhà máy để đáp ứng nguồn cung xăng dầu trong nước. Dự kiến, lượng sản phẩm năm nay đạt khoảng 6,7 triệu m3.

Tuy nhiên khi lượng sản phẩm vượt dự tính ban đầu lại nảy sinh vấn đề, khoảng 727.000 m3 xăng dầu- ước tính đến thời điểm cuối năm 2010- lại chưa ký hợp đồng tiêu thụ.

Ông Khang cho biết, dự tính ban đầu, sản phẩm của Dung Quất chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước. Vì thế, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã lên kế hoạch và ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty xăng dầu đầu mối 1,430 triệu m3. Trong đó, PV Oil tự tiêu thụ 885.000 m3, Petec: 295.000 m3, Petrolimex: 450.000 m3... Nhưng từ thời điểm tháng 5/2010, khi nhà máy Dung Quất hoạt động hết công suất, đáp ứng 40- 45% nhu cầu trong nước, thì lượng xăng dầu sản xuất ra vượt quá kế hoạch ban đầu. Vì thế, thời điểm này có khoảng 180.000 m3 chưa ký được hợp đồng tiêu thụ. Nếu tính gộp cả lượng sản xuất 3 tháng cuối năm, thì có tới  727.000 m3 chưa có “đầu ra”.Và nếu không giải được bài toán “đầu ra” thì nguy cơ những tháng tới, Dung Quất sẽ không còn phương tiện để tồn chứa. Điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của nhà máy. Vì thế Dung Quất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, sự góp sức của các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo kế hoạch ổn định.

Giải thích việc vì sao Dung Quất tồn kho lớn mà các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhập khẩu xăng dầu, ông Tạ Văn Hường- Vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công Thương- cho biết: Ngay từ khi phát sinh của Dung Quất, Bộ Công Thương đã theo dõi sát sao và tích cực đưa ra hướng giải quyết. Đến nay Bộ Công Thương đã có 3 cuộc họp đưa ra biện pháp tiêu thụ xăng dầu Dung Quất.

Nguyên nhân chính của vấn đề là do thời gian đầu đi vào sản xuất nên Dung Quất chưa hoạt động ổn định. Có thời gian phải ngừng giao hàng, ảnh hưởng tới kế hoạch tạo nguồn của doanh nghiệp đầu mối. Trong khi các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có trách nhiệm phải bình ổn thị trường, lo nguồn cung nên không thể cứ chờ đợi Dung Quất không sản xuất mới nhập hàng nên tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu với những nhà cung cấp lâu năm.

Hơn nữa, lúc đầu Dung Quất dự tính chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước thì nay đã tăng lên đáp ứng 45% nhu cầu. Lượng xăng dầu vượt dự kiến đó làm PV Oil lúng túng vì chưa có hợp đồng tiêu thụ. Đó chính là nguyên nhân gây “khớp” giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối.

Tuy nhiên, ông Hường thừa nhận, do dự báo lượng tồn kho Dung quất chưa chính xác nên đã không chuẩn bị để đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng đáp ứng lượng tồn chứa xăng dầu trong giai đoạn nhà máy sản xuất ổn định và chạy hết 100% công suất. “Đây là điều cần rút kinh nghiệm trong kế hoạch và cần khắc phục trong thời gian tới. Nhưng cũng là điều khó tránh trong thời kỳ đầu khi nước ta chuyển từ nước nhập khẩu 100% xăng dầu sang tự túc một phần nhiên liệu”- ông Hường nói

Tại cuộc họp bà Đàm Thị Huyền- Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho biết: Vì Petrolimex là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nên luôn đặt trách nhiệm ổn định thị trường lên hàng đầu. Ngay từ tháng 7/2009, khi nhà máy đi vào hoạt động, Petrolimex đã có văn bản số 2070 ngày 24/11/2009 kiến nghị với Bộ Công Thương về cơ chế tiêu thụ sản phẩm Dung Quất.

Tiên lượng trước khó khăn tiêu thụ sản phẩm Dung Quất khi sản xuất chưa ổn định, Petrolimex đã đề ra 3 phương án tiêu thụ: Thứ nhất, đề nghị đấu thầu sản phẩm Dung Quất (PV Oil cũng coi là một thành phần dự thầu). Thứ hai, để ổn định nguồn cung, Petrolimex đề nghị được bao tiêu toàn bộ sản phẩm Dung Quất (vì khi đó PV Oil chỉ chiếm 25% thị phần mà Petrolimex chiếm trên 55%). Nếu không bao tiêu thì Bộ Công Thương giao chỉ tiêu tiêu thụ sản phẩm Dung Quất cho Petrolimex. Phương án ba- hiện đang thực hiện- Petrolimex coi PV Oil như nhà cung cấp. Đến nay việc phối hợp, xử lý tiêu thụ sản phẩm Dung Quất theo hợp đồng giữa Petrolimex và PV Oil rất tốt.

Tuy nhiên, vì là DN chiếm thị phần lớn nên Petrolimex không thể thụ động ngồi chờ nguồn xăng dầu Dung Quất, bởi vì có thời gian dài nguồn Dung Quất không ổn định nên phải chủ động nhập để bảo đảm nguồn cung.

Để hỗ trợ cho Dung Quất, bà Huyền cam kết sẽ hợp tác, trao đổi cụ thể với PV Oil và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn ký hợp đồng tiêu thụ thêm sản

phẩm Dung Quất. “Cần có cách thức cụ thể giữa hai bên. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa hóa phương tiện nhận ký hợp đồng tiêu thụ thêm sản phẩm Dung Quất. Tuy nhiên, Petrolimex sẽ cân nhắc để lượng tồn kho xăng dầu hợp lý, tránh rủi ro khi giá xăng dầu thế giới biến động. Trường hợp tồn kho của Dung Quất vượt khả năng, Petrolimex sẽ thu sếp để Dung Quất gửi kho”- Bà Huyền cam kết.

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đầu mối như Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinafco), Công ty kinh doanh xăng dầu Vinalines khu vực phía Bắc… đều cam kết sẽ sớm làm việc với PV Oil để tiêu thụ sản phẩm của Dung Quất.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hợp tác tốt với PV Oil tiêu thụ xăng dầu Dung Quất.

Thứ trưởng yêu cầu, chậm nhất là 15/10, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (cụ thể là PV Oil) và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải báo cáo kết quả hợp tác về việc tiêu thụ sản phẩm Dung Quất.
Thanh Hương