Chính vì vậy, chính phủ đã xác định việc áp dụng sản xuất sạch hơn và các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo phát triển công nghiệp bền vững. Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những mục tiêu cụ thể là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển một nền công nghiệp bền vững, đồng thời tạo ra các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc triển khai đồng thời sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng có thể làm cho các doanh nghiệp lúng túng khi không biết nên lựa chọn áp dụng sản xuất sạch hơn hay tiết kiệm năng lượng trước hoặc có nên áp dụng đồng thời (tích hợp) hay không?
Thực tế sản xuất công nghiệp chỉ ra rằng thất thoát trong quá trình sản xuất, dưới dạng các phát thải, luôn bao gồm hai dạng tài nguyên cơ bản là nguyên vật liệu và năng lượng. Trong khi các thất thoát nguyên vật liệu luôn là thất thoát hữu hình (trong các dòng thải) thì đối với năng lượng, trong nhiều trường hợp, các thất thoát là vô hình (khi hiệu suất khai thác thiết bị thấp) hoặc ẩn bên trong thất thoát vật liệu (ví dụ như thất thoát nước do rò rỉ cũng gây nên tổn thất phần năng lượng dùng để bơm lượng nước bị rò rỉ đó). Điều này khẳng định rằng tổn thất nguyên vật liệu và năng lượng có quan hệ chặt chẽ với nhau và nếu chỉ áp dụng sản xuất sạch hơn (tập trung vào các dòng vật liệu) hoặc tiết kiệm năng lượng (tập trung vào năng lượng) thì doanh nghiệp có khả năng sẽ bỏ lỡ các cơ hội cải tiến thông qua việc xác định và loại bỏ các thất thoát vô hình hoặc thất thoát ẩn. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất đối với doanh nghiệp công nghiệp là áp dụng tích hợp sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.
Mặc dù có những sự khác biệt nhất định khi sản xuất sạch hơn chú trọng tới việc kiểm soát các dòng vật chất còn tiết kiệm năng lượng chú trọng tới kiểm soát dòng các dòng năng lượng nhưng với sự tương đồng về nguyên tắc, phương pháp và kỹ thuật thực hiện thì việc áp dụng tích hợp sản xuất sách hơn và tiết kiệm năng lượng là hoàn toàn khả thi và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hãy cùng xem xét các điểm tương đồng nói trên:
1. Về mặt nguyên tắc, cả sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng đều đề cao các nguyên tắc:
• Tiếp cận và thực hiện một cách có hệ thống;
• Ưu tiên và tập trung vào các biện pháp phòng ngừa;
• Đề cao vai trò của người lãnh đạo và sự tham gia của mọi thành viên trong doanh nghiệp.
2. Về phương pháp thực hiện, sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng đều được thực hiện thông qua cá bước tương tự thực hiện tương tự như sau: • Lập kế hoạch; • Chuẩn bị đánh giá & kiểm toán; • Phân tích hiện trạng thông qua đánh giá & kiểm toán • Xác định và lựa chọn giải pháp; • Thực hiện và duy trì.
| |
3. Về các kỹ thuật thực hiện, cả sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng đều có thể chia sẻ việc áp dụng các kỹ thuật sau đây:
• Tăng cường quản lý nội vi: Sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng luôn đề cao việc thực hành quản lý nội vi tốt như là một giải pháp đơn giản, tiết kiệm nhưng luôn đem lại hiệu quả đáng kể. Việc quản lý nội vi tốt trong nhà máy sẽ đảm bảo: - Khắc phục các rò rỉ nguyên liệu và năng lượng; - Duy trì hiệu suất làm việc cao nhất của các máy móc thiết bị; - Giảm các sản phẩm kém chất lượng nhờ sắp xếp gọn gàng, tránh các sai hỏng gây ra do đổ vỡ, dính các tạp chất…
| |
•
Kiểm soát quá trình sản xuất:Kiểm soát quá trình sản xuất bao gồm việc tổ chức sản xuất tốt và kiểm soát các thông số công nghệ sản xuất. Việc tổ chức khoa học sẽ giúp loại bỏ hoặc giảm bớt thời gian máy chạy không tải hoặc chạy không đầy tải do phải chờ đợt nguyên liệu hay bán thành phẩm, từ đó góp phần giảm các thất thoát năng lượng vô hình.
Việc kiểm soát các thông số công nghệ sẽ đảm bảo kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất. Trong thực tế, tại một số cơ sở dệt nhuộm, do không kiểm soát tốt quá trình sản xuất, một mẻ vải sau nhộm không đạt chất lượng sẽ phải được nhuộm lại. Khi đó không chỉ tiêu hao nước, hóa chất, thuốc nhuộm và năng lượng đều tằng mà cả lượng nước thải thải ra môi trường cũng gia tăng. Tương tự, trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm ceramic, nếu không kiểm soát tốt các thông số công nghệ thì tỉ lệ sản phẩm hỏng sau quá trình nung sẽ tăng cao, gây ra các lãng phí cả về nguyên liệu lẫn năng lượng.
| |
• Thay thế nguyên nhiên liệu:Thay thế nguyên nhiên liệu là việc sử dụng các loại nguyên nhiên liệu có chất lượng, hiệu suất cao hơn hoặc ít gây nguy hại tới môi trường hơn. Trong nhiều trường hợp, người ta có thể sẽ phải sử dụng loại nguyên nhiên liệu đắt tiền hơn, nhưng lại có thể giúp giảm chi phí sản xuất (nhờ hiệu suất cao hơn) đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc sử dụng gas LPG trong các lò nung gốm sứ thay thế cho dùng than là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, việc thay thế nguyên nhiên liệu còn có thể thực hiện bằng cách tận dụng các nguồn nhiên liệu tự nhiên sẵn có ở địa phương phù hợp với nhu cầu sử dụng, giúp doanh nghiệp giảm chi phí cũng như góp phần giảm chất thải. Việc các cơ sở sản xuất gạch nung ở đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nguồn trấu sẵn có để đốt thay thế cho than là một ví dụ tiêu biểu. | |
• Tuần hoàn tái sử dụng:
Tuần hoàn & tái sử dụng là một trong những kỹ thuật phổ biến được áp dụng cả trong sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Các hệ thống thu hồi bột trong nước thải sản xuất giấy, tuần hoàn nước mạ trong ngành mạ, thu hồi nhiệt khói thải lò đốt hay xử lý nước thải thu hồi biogas để đốt lò sấy thay thế cho việc mua nhiên liệu tại các nhà máy tin bột sắn là các ví dụ điển hình của việc áp dụng kỹ thuật tuần hoàn tái sử dụng trong sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng.
• Cải tiến thiết bị:
Là những giải pháp từ đơn giản đến phức tạp với mục tiêu nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng và tăng năng suất. Các ví dụ về việc cải tiến thiết bị điển hình trong công nghiệp bao gồm lắp thêm biến tần cho các động cơ, cải tiến hệ thống kiểm soát cấp gió cho lò hơi, bổ sung bơm áp lực cao và dùng vòi xịt có khóa ở tay cầm để nâng cao hiệu quả rửa và tiết kiệm nước trong các cơ sở chế biến thực phẩm, thủy sản….
• Đổi mới thiết bị và công nghệ:
Đổi mới công nghệ là việc sử dụng các thiết bị hoặc công nghệ tiên tiến hơn, có hiệu suất cao hơn cả về khía cạnh tiêu thụ năng lượng lẫn nguyên vật liệu. Đổi mới thiết bị và công nghệ luôn đòi hỏi phải đầu tư tài chính nhưng đảm bảo đem lại nhiều lợi ích như tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm phát thải... Hệ thống lò nung gốm sứ sử dụng gas LPG có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, công nghệ sơn tĩnh điện trong xử lý bề mặt hay hệ thống rửa ngược dòng trong chế biến nông sản thực phẩm là những ví dụ điển hình về việc áp dụng các công nghệ và thiết bị mới.
Qua các phân tích và ví dụ nêu trên, có thể thấy rằng việc áp dụng tích hợp sản xuất sạch hơn với tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, thông qua việc áp dụng tích hợp, doanh nghiệp còn đạt được các lợi ích khác, bao gồm:
- Nhất quán các mục tiêu cải tiến sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng;
- Tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện;
- Nâng cao hiệu quả đầu tư;
- Nâng cao hình ảnh và tiềm năng mở rộng thị phần bằng các sản phẩm “xanh” thân thiện môi trường & tiết kiệm năng lượng;
- Tăng cường khả năng tiếp cận tới các quĩ tính dụng (vay đầu tư, tài trợ…);
- To điều kiện thực hiện tích hợp hệ thống quản lý môi trường ISO14000 và hệ thống quản lý năng lượng ISO50000.
Trần An