Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 21:46 GMT+7

Tin hoạt động

Sản xuất sạch hơn ở Ninh Thuận: Rốt ráo vì mục tiêu bền vững

29/10/2013

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có hơn 1.700 DN hoạt động trong các lĩnh vực như chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản…Trong đó, 160 cơ sở sản xuất công nghiệp với quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, không đồng bộ; suất tiêu hao nguyên – nhiên vật liệu trên một đơn vị sản phẩm còn cao. Một số DN còn chưa quan tâm đến xử lý chất thải, gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên. Số khác có ý thức bảo vệ môi trường nhưng  khả năng tài chính, công nghệ, kỹ thuật hạn chế nên chưa triển khai hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, sự gia tăng số lượng các DN đã đưa nền kinh tế Ninh Thuận chuyển dịch mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên điều đó cũng đặt ra những vấn đề về môi trường. Việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường trong xu hướng hiện nay được coi là giải pháp tăng trưởng ổn định và tất yếu.

Để hỗ trợ DN tiếp cận với công nghệ SXSH, thời gian qua, Sở Công Thương Ninh Thuận đã phối hợp với Hợp phần SXSH trong công nghiệp (Bộ Công Thương) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DN thông qua nhiều buổi hội thảo, tập huấn về cách tiếp cận các phương thức SXSH. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ một số đơn vị trên địa bàn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hoặc cải tiến một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất, tiết kiệm triệt để nguyên liệu đầu vào, tái sử dụng phế phẩm…Cụ thể, tại Công ty CP Mía đường Phan Rang, công suất 1.500 tấn mía/ngày, công ty đã sử dụng trên 400 kWh điện để sản xuất 100 tấn đường/ngày, đồng thời thải ra môi trường lượng bã mía không nhỏ. Sau khi tiếp cận với các giải pháp SXSH, công ty đã đầu tư 18 tỷ đồng để xây dựng lò hơi cao áp siêu nhiệt, sử dụng bã mía làm chất đốt để chạy tuabin phát điện…Với giải pháp này, công ty đã tiết kiệm được trên 70% lượng điện năng tiêu thụ cho sản xuất. Việc sử dụng bã mía làm chất đốt để sản xuất điện còn giúp giải quyết tình trạng bã thừa, từ đó giảm thiểu chất thải rắn, làm sạch môi trường, hạ giá thành sản phẩm…

Ông Nguyễn Thanh Hoan cho biết thêm, mặc dù SXSH đã được chứng minh mang lại nhiều hiệu quả cho DN, tuy nhiên, hoạt động SXSH khi triển khai ở Ninh Thuận còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự cam kết của DN, thiếu đơn vị tư vấn, thiếu nguồn tài chính cho hoạt động SXSH, thiếu hệ thống quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc…. Vì thế, để đưa SXSH trở thành một hoạt động xuyên suốt trong sản xuất công nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch hành động SXSH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015, 100% các cơ sở sản xuất công nghiệp trong tỉnh được phổ biến về SXSH; toàn tỉnh có 25% cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ áp dụng các giải pháp SXSH trong sản xuất; Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH có thể tiết kiệm 5-8% mức tiêu hao năng lượng, nguyên nhiên vật liệu/đơn vị sản phẩm.

Thời gian tới, ngành công thương Ninh Thuận xác định đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho DN sản xuất công nghiệp về lợi ích của SXSH; Tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn DN đăng ký nhiệm vụ, đề án về SXSH hàng năm để tranh thủ nguồn kinh phí từ Quỹ khoa học công nghệ, Quỹ khuyến công… Ngoài ra, ngành công thương sẽ tiến hành các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp như hỗ trợ tư vấn, đánh giá nhanh về SXSH; Hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm về SXSH; Hỗ trợ đào tạo cho DN…/.