Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 17/11/2024 | 12:33 GMT+7

Tin hoạt động

Nâng cao hơn nữa hiệu quả tiết kiệm năng lượng

23/10/2013

Triển khai rộng và hiệu quả lớn

Hoạt động TKNL đã được các địa phương triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Tính đến nay, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đã có bộ phận chuyên trách về TKNL. Các hoạt động TKNL được tập trung vào những mục tiêu chính như nâng cao nhận thức cho DN và người sử dụng năng lượng; Hỗ trợ DN nâng cao hiệu suất năng lượng. Cụ thể, năm 2012, về tuyên truyền nâng cao nhận thức, ta đã tổ chức thành công sự kiện Giờ Trái đất 2012; Tuyên truyền hàng trăm tin bài trên các hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; Tổ chức giải báo chí viết về TKNL; Tổ chức thành công chương trình “Hộ gia đình TKNL”; Tổ chức thành công 2 cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” và “TKNL trong công nghiệp và tòa nhà”…

Được đánh giá là một trong những hoạt động hiệu quả nhất, trong giai đoạn 2010-2012, 2 cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” và “TKNL trong công nghiệp và tòa nhà” đã thu hút được 300 đơn vị trên cả nước tham gia với 92 hồ sơ vào vòng chung khảo. Cũng trong 3 năm qua, đã có 54 đơn vị đoạt giải cùng trên 1.000 giải pháp được áp dụng thành công, tiết kiệm 50.400 TOE, tương đương 1.170 tỷ đồng và giảm phát thải 184.500 tấn CO2 - ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm TKNL Hà Nội - đơn vị tổ chức 2 cuộc thi TKNL trong tòa nhà cho biết.

Để hỗ trợ DN nâng cao hiệu suất, năm 2012 đã có hơn 100 DN được hỗ trợ triển khai mô hình quản lý năng lượng theo Thông tư 09. Bên cạnh đó, 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã được tham gia các khóa đào tạo về Tiêu chuẩn ISO 50001. Cũng trong năm 2012, đã có 11 DN được hỗ trợ triển khai hệ thống ISO 50001; 12 DN được hỗ trợ thay đổi dây chuyền thiết bị; 190 DN và hơn 60 tòa nhà đã được hỗ trợ kiểm toán năng lượng… Tính chung, năm 2012, cả nước đã tiết kiệm được 1,67 tỷ kWh điện, bằng 1,5% lượng điện thương phẩm, tương đương với 2.200 tỷ đồng.

Là một trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng nhất cho hoạt động sản xuất, thép là ngành công nghiệp trọng điểm cần ứng dụng các giải pháp TKNL. Theo KS. Trịnh Văn Hoàn – Ban Kỹ thuật an toàn – Tổng công ty Thép Việt Nam, thời gian qua, Tổng công ty Thép Việt Nam và nhiều DN thuộc tổng công ty đã chủ động ứng dụng các giải pháp TKNL vào quá trình sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Cụ thể, tại tổng công ty, các giải pháp được áp dụng bao gồm: Tăng công suất máy biến thế lò để rút ngắn thời gian nấu chảy, sử dụng nước làm mát tường lò và đỉnh lò để tăng tuổi thọ của lò; Đầu tư thiết bị gia công phế thép để làm sạch sắt thép vụn, rút ngắn thời gian nạp liệu, giảm số lần ngừng lò và mở nắp lò, giảm tổn thất điện năng; Sử dụng gang lỏng trong phối liệu; Loại bỏ tất cả các lò điện có dung lượng nhỏ hơn 10 tấn, tổ chức sản xuất 2 ca, 10 tiếng/ca vào các giờ thấp điểm và bình thường, dành giờ cao điểm để kiểm tra bảo dưỡng thiết bị và chuẩn bị nguyên liệu… Những giải pháp này đã giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu vào khoảng gần 20%.

Đặt mục tiêu TKNL một cách cụ thể

Khẳng định hoạt động TKNL đã mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, hầu hết các đại biểu tại các tỉnh vẫn đánh giá, hoạt động TKNL còn tồn tại nhiều bất cập khi kinh phí cấp cho các đơn vị còn chậm, năng lực của một số trung tâm TKNL còn hạn chế… Đơn cử như việc cấp kinh phí cho các hoạt động TKNL thường chỉ được phân bổ vào khoảng quý II, thậm chí là quý III, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của các hoạt động TKNL.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần đưa ra những mục tiêu cụ thể về mức độ TKNL theo từng năm và từng ngành cụ thể. Hoạt động TKNL cũng cần đi sâu vào những hoạt động như nâng cao năng lực cho các trung tâm TKNL, đào tạo cán bộ kiểm toán năng lượng, bởi đây là những “hạt nhân” trong hoạt động này…

Đặc biệt, do hoạt động TKNL đòi hỏi DN phải đầu tư một khoản vốn lớn cho đầu tư công nghệ nhằm giảm tiêu hao năng lượng, chính vì thế, tìm kiếm một nguồn vốn hỗ trợ cho DN dễ dàng tiếp cận với các giải pháp TKNL chính là yêu cầu cấp thiết cho giai đoạn tới. Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC) cho biết, để hỗ trợ cho DN, hiện nay ECC HCMC đang cung cấp dịch vụ ESCO (công ty ESCO cung cấp các giải pháp TKNL cho DN và nhận lại lợi nhuận từ hiệu quả TKNL mà DN đó thu được với tỷ lệ được thỏa thuận trước). Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhất và cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động TKNL.

Được biết, năm 2014, Hội nghị TKNL toàn quốc sẽ được tổ chức tại Tiền Giang./.