Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:18 GMT+7

Tin hoạt động

Nâng cao năng suất để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp

21/10/2013

Cải tiến năng suất chất lượng cho DN là cần thiết

Theo ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) năng suất và chất lượng là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Tăng năng suất và chất lượng chỉ có được khi DN sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giảm lãng phí và giảm giá thành sản phẩm. Đây là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

Theo Báo cáo của Bộ KH&CN tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” (chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg), 3 năm qua, chương trình đã có 2 dự án “nền” do Bộ KH&CN chủ trì và 2 dự án ngành của ngành Công nghiệp và Nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã xem xét, thẩm định 42 dự án năng suất chất lượng địa phương như: An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Dương, Nam Định, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang… Trong đó có 36 dự án năng suất chất lượng địa phương đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.

Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc triển khai Chương trình đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng DN. Tuy nhiên, một số ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo trong việc xây dựng dự án năng suất chất lượng, tiến độ xây dựng dự án còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình.

Chia sẻ các mô hình cải tiến năng suất, chất lượng hiệu quả

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) cho biết, hiện số lượng DN Việt Nam áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, các DN quyết tâm muốn khẳng định mình, cải thiện năng suất, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đặt ra.

Cụ thể, tại Công ty May Nam Hà đã áp dụng tốt TPM (Bảo trì Năng suất toàn diện) kết quả là giảm lãng phí liên quan đến máy móc thiết bị, qua đó tiết kiệm được chi phí sản xuất. Ông Đoàn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty May Nam Hà cho biết, trong ba năm đầu áp dụng TPM, công ty đã giảm được tổn thất do phế phẩm từ 50-55%, số trường hợp máy hỏng giảm 80-90%, tiết kiệm được chi phí sản xuất hơn 2 tỷ đồng/năm.

Lean - một phương pháp quản lý nhằm cung cấp đúng lúc và chính xác hàng hóa, dịch vụ khách hàng mong muốn mà không có bất kỳ sự lãng phí nào thông qua cải tiến liên tục quá trình... Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Trung tâm Năng suất Việt Nam, một số đơn vị như MB Bank, Techcombank, Bệnh viện Việt Pháp và các đơn vị trực thuộc Vietnam Airlines… đã áp dụng rất thành công Lean vào trong hoạt động của mình.

Ngoài ra, việc áp dụng mô hình 5S (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) vốn đã thành công tại Nhật Bản vào hoạt động, đang làm thay đổi diện mạo của các DN. Theo ông Lê Quang Thái - Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, chỉ sau một thời gian triển khai 5S, chương trình đã thành công ngoài mong đợi. “5S đi vào từng ngăn tủ, từng hộp đựng hồ sơ, sổ sách…”. Ông Thái cho biết thêm, ứng dụng 5S không chỉ tạo cho công ty môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, thuận tiện, an toàn hơn mà còn giúp mỗi cán bộ, công nhân viên có tác phong làm việc khoa học, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động. 

Hay như tại Công ty Traphaco, bà Hoàng Thị Rược - Phó Tổng giám đốc cho biết, kinh phí để triển khai thực hành 5S không lớn, vì chương trình không tập trung vào đầu tư trang thiết bị mà chủ yếu là cải tiến các hoạt động: sàng lọc, sắp xếp lại hồ sơ, tài liệu tại khu vực văn phòng; vệ sinh, bảo dưỡng máy móc tại khu vực nhà xưởng, giảm thiểu lãng phí từ khâu sử dụng không gian chưa hợp lý, sắp xếp lại nhà xưởng, kho bãi… Nhìn chung, 5S được triển khai thành công và duy trì một cách hiệu quả nhất đối với DN./.

Theo Bộ KH&CN, tính đến thời điểm tháng 9/2013, đã có trên 500 DN thực hiện việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng và hàng nghìn DN khác đã đưa vào kế hoạch để triển khai thực hiện trong năm 2013 - 2014.