Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:50 GMT+7

Tin hoạt động

Công ty Cao su Việt Trung đầu tư chiều sâu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

29/09/2010

Đầu tư chiều sâu

Ngoài nhiệm vụ sản xuất chính là khai thác, chế biến sản phẩm mủ cao su xuất khẩu, trong 5 năm từ 2005-2010, Công ty đã thực hiện kinh doanh đa ngành nghề, chú ý đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất và xây dựng mới các nhà máy với tổng nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng. Tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ cao su thanh lý hàng năm, Công ty đầu tư xây dựng Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu, thu hút hơn 400 lao động tại chỗ.


Công nhân đang chế biến gỗ tại nhà xưởng. Ảnh: viettrung.qbinh.vn

Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, sản phẩm của công ty xuất khẩu sang các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật bản và một số nước Châu Âu, bình quân mỗi năm đạt hơn một triệu đô la. Công ty còn đầu tư hơn 2 tỷ đồng nâng cấp dây chuyền công nghệ nhà máy Chế biến mủ cao su chất lượng cao. Sản phẩm cao su mủ cốm của công ty đã được Bộ Khoa học Công nghệ trao giải thưởng "Chất lượng Việt Nam".

Hàng năm, tỷ lệ cao su xuất khẩu của công ty đạt 95%. Bằng nguồn vốn từ quỹ phát triển sản xuất và quỹ phúc lợi, nguồn vốn vay và nguồn vốn huy động trong cán bộ công nhân viên chức, trong 5 năm từ 2005-2010, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm phương tiện vận chuyển, làm đường giao thông, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, an ninh quốc phòng và nhà nghỉ khách sạn vừa phục vụ công nhân nghỉ dưỡng sức vừa kinh doanh đem lại hiệu quả.

Phát huy sáng kiến, đổi mới kỹ thuật

Trong những năm qua, Công ty đã tổ chức triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có đề tài "khảo nghiệm tập đoàn 12 dòng vô tính cao su trên vùng sinh thái Quảng Bình" đem lại giá trị kinh tế và được đánh giá cao.

Công ty đã ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, đồ gỗ cao cấp chế biến từ gỗ cao su và các loại gỗ khác; áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 1999-2000.

Công ty đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công bộ giống cao su năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thời tiết ở Quảng Bình; phát triển cao su theo phương pháp trồng mới từ 500 cây/ha lên 550-600 cây/ha làm tăng hệ số sử dụng đất, tăng diện tích trồng mới được Tổng công ty cao su Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, chỉ đạo các cơ sở sản xuất cao su trong cả nước áp dụng trồng đại trà.

Trong sản xuất, công ty đã cải tiến từ cạo mủ đục sang cạo mủ kéo cán dài, thay dụng cụ bôi dầu bằng lăn đẩy, mở hệ thống miệng dẫn mủ... để khai thác và bôi dầu ở phần thân cây cao su và cành cấp 1,2 đối với diện tích cao su cuối thời kỳ kinh doanh, chờ thanh lý nên đã duy trì được năng suất, bảo vệ gỗ cây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm mủ nước.

Công ty cũng đã nghiên cứu thay đổi quy trình và chủng loại sản phẩm chế biến từ mủ tờ sang mủ cốm; thay đổi nhiên liệu từ sử dụng củi sang sử dụng điện, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa hạ giá thành sản phẩm. Nhờ áp dụng quy trình này, mỗi năm công ty không phải phá 20 ha rừng lấy củi làm chất đốt để chế biến mủ cao su, làm lợi cho Nhà nước hơn 100 triệu đồng, đồng thời góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường.
  
Đào luyện tay nghề thợ  

Trong những năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Trung coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề bằng nhiều hình thức gửi đi đào tạo tập trung, tổ chức học tập tại chức theo hình thức vừa làm vừa học.

Trong tổng số 1.257 cán bộ, công nhân viên, công ty đã có đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật gồm 45 cán bộ có trình độ thạc sỹ và đại học; 90 cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp và 663 công nhân kỹ thuật bậc 6 trở lên. Công ty đang gửi 56 cán bộ, công nhân đào tạo tại các trường Đại học và công nhân kỹ thuật tập trung. Tính ra, mỗi năm công ty đã đầu tư gần 200 triệu đồng cho việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.               

Phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi được phát động, duy trì thường xuyên hai năm một lần. Nhờ đó, tỷ lệ thợ giỏi trong khai thác cao su ngày càng cao, tỷ lệ thợ đạt trung bình giảm; có nhiều đơn vị không còn thợ đạt trung bình. Hội thi "Thợ giỏi" các cấp, hội thi "Bàn tay vàng" hàng năm trong ngành khai thác cao su của công ty thực sự trở thành hội thi truyền thống, thu hút 95% thợ khai thác mủ cao su tham gia. Các đội Thắng Lợi, Tiền Phong, Xây dựng, Hữu Nghị... liên tục nhiều năm được suy tôn tập thể giỏi của công ty. Các chị Hoàng Thị Lành đội trưởng đội hữu Nghị và chị Đặng Thị Lan, đội trưởng đội Quyết Tiến là chiến sỹ thi đua toàn quốc; chị Trần Thị Lý, công nhân đội Truyền Thống; chị Phan Thị Thắm công nhân đội Đoàn Kết... nhiều năm đạt danh hiệu "Bàn tay vàng" thực sự là hạt nhân của phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi và phong trào thi đua yêu nước của đơn vị....