Kết quả ban đầu
Trong 9 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến công Bình Dương (TTKC) đã tập trung hỗ trợ cho các DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị bằng cả 2 nguồn vốn Trung ương và địa phương. Công ty TNHH Kim Thành A được hỗ trợ đầu tư mới cho dây chuyền sản xuất ván sàn, Công ty TNHH SX-TM-DV Hiệp Sanh được giúp đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì, với tổng kinh phí thực hiện gần 11,6 tỷ đồng. TTKC cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, tiến bộ kỹ thuật cho 8 DN với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, TTKC còn giúp các DN có dự án đầu tư mới được thụ hưởng chương trình khuyến công là Công ty CP SX-TM Quang Minh với hệ thống máy hút ẩm cho sản phẩm mây tre lá xuất khẩu; DNTN May Quốc Tế với máy ép mùn cưa trong sản xuất thanh gỗ nén và máy móc thiết bị cho các DN sản xuất đồ gỗ khác, như: Công ty TNHH SX-TM Gia Gia Phát (dây chuyền sơn bóng trong sản xuất đồ gỗ nội thất), Cơ sở Hữu Chuẩn (máy cưa xả gỗ), Công ty CP Phú An Sinh (dây chuyền sản xuất viên gỗ nén), Công ty TNHH Khải Nguyên (máy móc thiết bị trong sản xuất ván ép), Công ty TNHH MTV Thanh Phong (sản phẩm máy chạm trổ điêu khắc tự động CNC trong chế biến đồ gỗ nội thất) và Công ty TNHH TM-SX Sao Nam (máy cưa rong lưỡi dưới trong sản xuất đồ gỗ nội thất)…
Mưa chưa… mát mặt!
Sự quan tâm, hỗ trợ của TTKC cũng đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía cộng đồng DN. Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc DNTN May Quốc Tế cho biết, những năm qua TTKC đã luôn đồng hành cùng DN trong các chương trình đào tạo lao động mới. Trong năm 2013, trung tâm đã giúp DNTN May Quốc tế đầu tư mở rộng công nghệ mới, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, theo ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A, dù TTKC đã quan tâm hỗ trợ DN trong các chương trình tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, đầu tư công nghệ mới… nhưng DN vẫn mong muốn có được định mức hỗ trợ cao hơn. Trên thực tế, mức hỗ trợ về kinh phí cho DN hiện còn khiêm tốn so số vốn đầu tư của DN. Thêm vào đó, số DN được hỗ trợ đầu tư cũng còn đếm trên đầu ngón tay trong khi số lượng DN nhỏ và vừa, DN thuộc diện được hỗ trợ tại Bình Dương lên đến hàng ngàn!
Cũng phải nói thêm rằng, do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả đầu vào tăng, đầu ra giảm, hầu hết các DN gặp khó khăn về vốn trong sản xuất, kinh doanh, nên DN cũng khó tập trung nguồn vốn cho việc đầu tư các dự án khuyến công. Một số DN đã đăng ký kế hoạch thực hiện các đề án khuyến công trong năm nhưng do kẹt vốn nên không thể thực hiện kế hoạch dự kiến ban đầu. Một số dự án khuyến công "giữa đường đứt gánh" do trễ hẹn vì thời gian từ khi đăng ký kế hoạch đến khi phê duyệt kinh phí chi tiết thực hiện tương đối dài, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của DN…
Cần thêm những giải pháp
Để làm tốt vai trò đại diện, đồng hành hỗ trợ DN, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ông Lê Văn Chí, Giám đốc TTKC Bình Dương kiến nghị: Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư liên tịch về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương đối với hoạt động khuyến công để địa phương có cơ sở thực hiện. Các bộ cần sớm ban hành quyết định phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2020, giúp các địa phương làm căn cứ xây dựng chương trình khuyến công địa phương; cần giảm bớt một số thủ tục cho một số nội dung khuyến công như công tác đào tạo nghề, hỗ trợ sử dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất… Bộ Công thương và Bộ Nội vụ sớm có thông tư hướng dẫn về xây dựng chi nhánh khuyến công cấp huyện và hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp xã để địa phương có cơ sở kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến công, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động này tại địa phương.
Các đối tượng DN thụ hưởng chương trình khuyến công cũng "hiến kế": TTKC cần tìm hiểu các thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở, DN sản xuất, DN công nghệ thông tin. TTKC cần tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường định mức kinh phí cho các đề án khuyến công, nhất là các đề án đổi mới công nghệ…