Người đam mê cải tiến kỹ thuật
Năm 2012, tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, anh Dương Mạnh Cường (SN 1987) vào làm việc tại Công ty TNHH Việt Lào (thuộc Tổng công ty KS&TM Hà Tĩnh). Suốt quá trình làm việc, anh Cường kiên trì học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và đúc rút kinh nghiệm, dần trở thành công nhân lành nghề của đội khai thác.
Từ thực tiễn, anh Cường nhận ra những hạn chế trong các thiết bị kỹ thuật. Bởi vậy, anh mày mò tìm hiểu để cải tiến sản phẩm phù hợp thực tế. Liên tục từ năm 2015 đến nay, anh đã có 4 sáng kiến có tính ứng dụng cao, làm lợi cho công ty. Chỉ riêng năm 2015, anh đã “thiết kế bãi thải trong hợp lý” góp phần tiết giảm 10% chi phí khai thác, giảm tối đa ảnh hưởng của rác thải đến môi trường xung quanh; sáng kiến “Nổ quá cỡ lần 2” với phương pháp thay thế thiết bị búa đập thô sơ góp phần tăng hiệu quả khai thác mỏ và giảm chi phí giá thành sản phẩm.
Đến năm 2016, anh tiếp tục sáng kiến “Nổ mìn phân đoạn bằng phương pháp lưu cột không khí”, mỗi năm giảm chi phí hơn 200 triệu đồng cho công ty.
Gần đây nhất, năm 2017, anh Cường tiếp tục làm dày thêm bộ sưu tập sáng kiến của mình với “Khoan thăm dò đánh giá trữ lượng mỏ bằng máy khoan KDQ 100”. Với thiết bị này, thay vì bỏ ra chi phí 850.000 đồng/m để thuê máy khoan thì nay công ty đã chủ động máy khoan, giảm chi phí tối đa công tác thăm dò, tăng hiệu quả lên 50% công tác đánh giá trữ lượng mỏ.
Với tinh thần trách nhiệm, năm 2016, anh Cường được ban giám đốc và anh em công nhân tin tưởng đề bạt làm Đội phó Đội Khai thác mỏ. Năm 2018, anh Cường đang ấp ủ những sáng kiến mới. Anh chia sẻ: “Mình là thanh niên, phải luôn sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc”.
Không nhớ rõ bao nhiêu sáng kiến
Đến bây giờ, khi được hỏi, anh Trần Đức Thuận (SN 1983), Công ty CP Phát triển công nghiệp - Xây lắp & Thương mại Hà Tĩnh cũng không nhớ mình đã có bao nhiêu sáng kiến. Anh bộc bạch: “Tôi không ham muốn trở thành một công nhân được vinh danh hay vì những giải thưởng mà chỉ xuất phát từ thực tiễn công việc. Vấn đề là phải làm sao để giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc, mang lợi ích cho công ty”.
Quê ở tỉnh Nam Định, cũng từng vào Nam, ra Bắc với công việc ở các công ty chuyên sản xuất bê tông nhựa nóng, đến năm 2012, anh Thuận đã xin vào làm việc tại Công ty CP Phát triển công nghiệp - Xây lắp & Thương mại Hà Tĩnh.
Anh đã từng sáng kiến thiết bị đốt điện thay cho thiết bị đốt dầu cũ thường sản sinh ra khói độc, gây ô nhiễm môi trường, giá thành nguyên liệu cao; thiết kế hệ thống lọc bụi thô sơ sang hệ thống lọc nước; hệ thống điều khiển điều hành tự động sang hệ thống tự động và bán tự động... Với hệ thống này, khi ở một bộ phận tự động nào bị lỗi thì sử dụng bán tự động vận hành bằng tay để tiến độ công việc không bị gián đoạn.
Tiêu biểu nhất trong các sáng kiến của anh Thuận là “Cải tiến thiết bị sấy nhựa đường 60/70 từ đốt, sấy bằng dầu diezen thay thế bằng thiết bị đốt, sấy bằng điện”. Sản phẩm đã góp phần tiết kiệm 30% chi phí dầu đốt, hằng năm tiết kiệm trên 400 triệu đồng cho công ty, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, sản phẩm bê tông nhựa nóng của công ty ngày càng chiếm lĩnh thị trường.
Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm dành cho thanh niên công nhân có thành tích lao động xuất sắc, có các đề tài, ý tưởng, sáng kiến được áp dụng trong lao động, sản xuất, học tập. Qua 8 lần tổ chức, giải thưởng đã vinh danh hơn 560 gương điển hình trong cả nước; trong đó, Hà Tĩnh đã có hơn 20 thanh niên công nhân vinh dự được nhận giải.
Năm 2018, cả nước có thêm 65 đại biểu ưu tú được nhận Giải thưởng này. Dự kiến, lễ trao Giải “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra vào tối 13/5 tại Hà Nội.
Nguồn: Baohatinh.vn