Giải pháp công nghệ cho ngành dệt may ứng phó với cách mạng công nghiệp 4.0
21/08/2017
Theo đánh giá của các chuyên gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo ra dịch vụ chi phí thấp. Song từ đây cũng dự báo nguy cơ mất việc làm cao đối với một số ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may, da giày. Thêm vào đó, trước những thách thức và áp lực cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu như Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam... các DN dệt may thời trang đặt ra yêu cầu nâng cấp kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Giải pháp “Apparel Tech Up” của ThreadSol mang lại các giải pháp công nghệ thiết thực cho ngành công nghiệp may mặc bằng những ứng dụng liên quan công nghệ 4.0 như big data, trí tuệ nhân tạo thông qua việc xác định các công việc trên dây chuyền sản xuất, tự động hóa trong cắt, may, tiết giảm nguồn nguyên vật liệu một cách tối ưu nhất trong cắt, cung cấp các giải pháp giúp giảm thiểu lượng vải thừa, tiết kiệm năng lượng...
Bên cạnh đó, sự thay đổi của các nhà bán lẻ, thị hiếu người tiêu dùng hiện nay đối với các sản phẩm thời trang, sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử dẫn đến những tác động đáng kể trong sản xuất may mặc. Cụ thể, nhu cầu của ngành may mặc ngày càng tăng, các đơn hàng gửi về các xí nghiệp, nhà máy ngày càng nhiều, để đáp ứng được nhu cầu đó, ngoài đội ngũ nhân viên nhanh nhẹn, sáng tạo, giỏi nghề, ứng dụng công nghệ thông tin là một điều tất yếu- ông Saurav Ujjain, Giám đốc kinh doanh ThreadSol, Đông Nam Á chia sẻ.
Như vậy, áp dụng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động tăng và sử dụng ít lao động hơn, nên khoảng cách về chi phí lao động trong một sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại. Hiện nhiều DN dệt may đã chuẩn bị đón cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách khá bài bản. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ sản xuất quay lại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những quốc gia, khu vực có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.
Từ góc độ của DN, ngành dệt may cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đến những ngành sử dụng nhiều lao động và đang phải đứng trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có những khuyến khích về chính sách, giúp DN đầu tư công nghệ hiện đại. Cụ thể như miễn giảm thuế thu nhập DN của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào công nghệ cao phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.