Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:38 GMT+7

Sản xuất bền vững

IntelloCut - công nghệ cắt tiết kiệm vải

10/08/2017

Sau một cái nhấp chuột, hệ thống tự lên sơ đồ, tính toán lượng vải cần dùng theo cách tiết kiệm nhất và thực hiện luôn thao tác cắt.

 

Giảm lãng phí vải tối đa

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt - May Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2017, tổng số tiền nhập khẩu vải của Việt Nam ước đạt 1.412 triệu USD - chiếm khoảng 70% tổng chi phí sản xuất toàn ngành. Làm thế nào để tiết kiệm tối đa nguyên liệu nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất? Đây là bài toán cần giải để giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Saurav Ujjain - cố vấn cấp cao của hãng ThreadSol - cho biết: “Đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất may mặc Việt Nam cần nhận ra tầm ảnh hưởng của giá thành vật tư lên lợi nhuận. Chỉ bằng cách áp dụng các công nghê tiên tiến, tự động hóa dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp mới có cơ hội trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt”.

Công nghệ IntelloCut của hãng ThreadSol được cho là một giải pháp giúp lên kế hoạch và tối ưu hóa việc sử dụng vải trong lĩnh vực may mặc. Với các thuật toán tiên tiến, công nghệ IntelloCut đưa ra các công thức lập trình việc cắt, cuộn và trải nguyên liệu chỉ bằng một cái nhấp chuột. Cấu trúc điện toán đám mây giúp việc truy cập và sử dụng giải pháp này dễ dàng hơn.

Theo bà Nguyễn Minh Thơ - nhà tư vấn cao cấp của ThreadSol Việt Nam, điểm đặc biệt của công nghệ này chính là việc sử dụng máy tính bảng trên bàn cắt. Thiết bị này gửi hướng dẫn tác nghiệp cắt trực tiếp, phản ánh thời gian thực tế từ phòng cắt, lưu lại 100% dữ liệu của tất cả lượng vải đã sử dụng.

“IntelloCut sẽ cho bạn biết chính xác phần vải còn dư lại sau khi hoàn thành một bàn cắt hoặc sau mỗi đơn hàng, từ đó tự động lập kế hoạch cắt cho bàn tiếp theo để sử dụng hết phần vải dư này, giúp giảm tỷ lệ vải lãng phí xuống 1%” - bà Nguyễn Minh Thư nói.

Ngoài ra, phần mềm IntelloCut có thể tự động gửi cho nhà quản lý các báo cáo về việc từng cây vải đã được sử dụng như thế nào, số cây vải sử dụng cho mỗi đơn hàng để cho thấy việc sử dụng vải có hiệu quả hay không, kết quả phân tích qua theo dõi từng ngày, từng tháng, từng quý và từng năm. Nhờ đó, nhà quản lý kiểm tra được việc sử dụng vải có vượt định mức không và vượt định mức ở khâu nào.

 

Giảm hiệu quả nếu thiếu thông tin


Hiện công nghệ IntelloCut của ThreadSol đang được áp dụng ở một số nhà máy tại Việt Nam như Luenthai, Saitex, Fashion Garment Limited (FGL).

“Công nghệ này rất thuận lợi cho nhà quản lý trong việc theo dõi thông tin đơn hàng, thông số đặt vải... vì tất cả đều phải qua chương trình mới có thể trích xuất và thống kê được. Thường công việc này nếu thực hiện bằng sức người thì sẽ không có một quy chuẩn mà chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm của người làm” - đại hiện Công ty may Saitex, nơi áp dụng công nghệ IntelloCut từ cuối năm 2016 - cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Giáp - chuyên viên IT của Saitex, để áp dụng được IntelloCut, doanh nghiệp phải đồng bộ hóa các khâu trong quy trình cắt cũng như đảm bảo nhập chính xác thông tin. “Muốn phần mềm IntelloCut chạy trơn tru thì phải có điều kiện vận hành, tức phải cung cấp đầy đủ các thông số khổ vải, độ co dãn của vải, sơ đồ cắt...

Tuy nhiên trên thực tế, những thông tin này không phải lúc nào cũng trích xuất được trên mạng. Nhiều khi lượng vải trong một cuộn được nhà cung cấp ghi là 100Y (yard, 1yard = 0,9144 mét) nhưng về đến công ty chỉ có 99Y. Rõ ràng giữa thông tin cập nhật vào phần mềm và thực tế đã có sự chênh nhau”.

Việc khó tìm đủ thông tin để nhập vào phần mềm theo đúng yêu cầu của IntelloCut có thể làm chậm năng suất cắt vải của doanh nghiệp. “Mỗi ngày, Công ty Saitex sản xuất khoảng 10.000-13.000 sản phẩm, nếu cắt theo IntelloCut với đầy đủ thông tin như thế thì chỉ có thể cung cấp 6.000-8.000 sản phẩm” - ông Giáp nói và cho biết, do áp lực của chuyền may nên hiện số đơn hàng xử lý qua IntelloCut đang ngày càng ít đi. Saitex đang phối hợp với ThreadSol để tìm ra giải pháp phù hợp.

 

Theo Khoa học và Phát triển